Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro

Gia Hân

Tại dự thảo Tờ trình trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính nêu rõ, nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là đảm bảo “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Sửa đổi phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần thiết phải rà soát, sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Theo Bộ Tài chính, quan điểm xây dựng Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) không chỉ kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp mà còn phải phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Đồng thời, loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước...

Đáng chú ý, Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nguồn lực nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất. Việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, đảm bảo nguyên tắc “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”, vốn nhà nước đầu tư ở đâu phải được quản lý, giám sát, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp.

Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đai diện chủ sở

Tại dự thảo Tờ trình này, Bộ Tài chính nêu rõ sáu chính sách với mục tiêu, giải pháp, lý do lựa chọn chính sách rất cụ thể, bao gồm: Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Quản trị doanh nghiệp.

Tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước đúng mục đích, đúng đối tượng.

Đặc biệt, về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, mục tiêu của chính sách này là xác định rõ công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch; đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất một chính sách về đầu tư vốn, tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tạo hành lang pháp lý thống nhất, công bằng, thị trường để các doanh nghiệp có vốn nhà nước tổ chức thực hiện...

Vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất, không phân biệt cấp quyết định thành lập. Về công cụ quản lý tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, đánh giá doanh nghiệp thực hiện đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ và người đại diện chủ sở hữu vốn trên nguyên tắc dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan.

Luật sửa đổi quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đai diện chủ sở hữu theo hướng: Chính phủ thống quản lý nhà nước về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cho cơ quan đại diện sở hữu vốn; phân công, phân cấp trong việc quản lý và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của năm trước trong phạm vi toàn quốc.

Các bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ được giao trong phạm vi quản lý.

Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và đầu tư đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, phê duyệt và điều chỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định các nội dung về đầu tư vốn vào doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong công tác quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; thẩm tra, tổng hợp báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hàng năm; xây dựng, vận hành và khai thác Hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Dự thảo Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) gồm: 9 Chương, 83 Điều.  Thời gian dự kiến trình thông qua Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) là quý IV/2024 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.