Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại huyện Yên Thành, Nghệ An

TS. Hồ Thị Diệu Ánh - Trường Kinh tế - Đại học Vinh

Trong những năm gần đây, huyện Yên Thành (Nghệ An) - một huyện nửa trung du miền núi, nửa đồng bằng liên tục có sự phát triển tích cực. Một trong những yếu tố quyết định tạo sự tăng trưởng là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào xây dựng cơ bản. Mặc dù công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương đạt được nhiều kết quả khả quan, song còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Bài viết phân tích thực trạng, hạn chế trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Yên Thành và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nguồn vốn này.

Trụ sở UBND huyện Yên Thành. Nguồn: baophapluat
Trụ sở UBND huyện Yên Thành. Nguồn: baophapluat

Thực trạng quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại huyện Yên Thành

Quy trình lập kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Hàng năm, dựa vào tiến độ dự án và mục tiêu thực hiện dự án, chủ đầu tư lập kế hoạch vốn đầu tư gửi phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Yên Thành để tổng hợp. Căn cứ vào cơ sở thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm trước, khả năng về nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) và nhu cầu vốn đầu tư đối với công trình năm tới, Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư XDCB năm kế hoạch trình UBND và HĐND Huyện phê duyệt, sau đó phân bổ vốn về các xã, ban, ngành liên quan để thực hiện kế hoạch vốn được phê duyệt.

Bảng 1: Tỷ lệ chi đầu tư XDCB trong tổng chi NSNN của huyện Yên Thành (Tỷ đồng)

Nội dung

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Chi đầu tư XDCB

405,385

561,209

513,424

Tổng chi NSNN

1.122,568

1.213,230

1.363,710

Tỷ lệ

36,11%

49,99%

37,64%

Nguồn: Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Yên Thành

Thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Tạm ứng vốn đầu tư XDCB từ NSNN

Tiền tạm ứng cho các dự án được thực hiện theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng được thỏa thuận giữa chủ đầu tư với nhà thầu theo đúng quy định và được thể hiện rõ ràng trên hợp đồng kinh tế. Trong giai đoạn 2020-2022, mức tạm ứng trong 3 năm đạt 244.694 triệu đồng chiếm 29,5% so với kế hoạch vốn. Tuy nhiên mức tạm ứng chưa thu hồi theo chế độ lên tới 74.971 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 9% so với số giải ngân, điều này cho thấy vốn được tạm ứng chưa được sử dụng, công trình khi được nghiệm thu vẫn chưa hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng.

Thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN

Tình hình thanh toán vốn đầu tư XDCB của huyện Yên Thành qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn năm 2020-2022 với tổng số vốn giải ngân là 1.480.018 triệu đồng, tỷ lệ vốn giải ngân bình quân đạt 83,09% so với tổng kế hoạch vốn. Đây là tỷ lệ khá cao, điều này cho thấy sự chú trọng trong công tác giải ngân vốn của Huyện, cũng như sự cải thiện trong công tác cải cách hành chính tại KBNN.

Quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Thực trạng quyết toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN của huyện Yên Thành luôn đạt tỷ lệ cao, cụ thể: năm 2022 thực hiện thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán được 186 công trình; giá trị chi đầu tư đề nghị quyết toán 239,031 tỷ đồng; tổng giá trị phê duyệt quyết toán 232,031 tỷ đồng; qua công tác thẩm tra quyết toán đã cắt giảm 7,001 tỷ đồng, tỷ lệ cắt giảm chiếm 2,93% so với số chủ đầu tư đề nghị phê duyệt quyết toán.

Bảng 2: Kết quả thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (Triệu đồng)

Nội dung

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Số dự án thẩm tra

190

196

186

Tổng mức đầu tư được phê duyệt

250.089

309.593

240.424

Giá trị đề nghị quyết toán

247.455

301.898

239.031

Giá trị quyết toán được thẩm tra, phê duyệt

237.887

294.653

232.031

Giảm so với giá trị đề nghị quyết toán

9.568

7.245

7.001

Tỷ lệ cắt giảm

3,83%

2,4%

2,93%

Nguồn: Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Yên Thành

Kiểm tra, giám sát vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Để kiểm soát việc chi đầu tư xây dựng, hàng năm UBND Huyện đều xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng công trình và kế hoạch giám sát, đánh giá quản lý vốn đầu tư. UBND huyện Yên Thành đã thành lập Hội đồng kiểm tra, giám sát để thường xuyên đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ gắn với nâng cao chất lượng xây dựng các công trình, dự án như đường giao thông cứu hộ cứu nạn bờ tả sông Sở xã Phú Thành đi dọc kênh vách Bắc đến sông Bàu Chèn xã Liên Thành. Hiện nay triển khai thi công Cầu và đoạn nút giao với đường Trung tâm, nâng cao đường đỏ từ Km10+00 đến 14+00 (cầu Cánh Phượng đến Cầu Dền - Văn Thành)…

Đánh giá về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Kết quả đạt được

Bảng 3: Tình hình kiểm tra, giám sát đầu tư XDCB huyện Yên Thành

Năm

2020

2021

2022

Số đoàn thanh tra, giám sát

3

3

4

Số công trình thanh tra

53

27

29

Số đơn vị bị thu hồi xử lý

53

27

29

Giá trị thu hồi sau thanh tra

536,95

trđ

354,83

trđ

1.004 trđ

Nguồn: Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Yên Thành

Quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN của huyện Yên Thành trong những năm gần đây đạt kết quả tích cực. Cụ thể như sau:

- Lập và giao kế hoạch vốn đều căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Huyện để xây dựng kế hoạch cho phù hợp.

- Thanh toán và kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB được thực hiện kịp thời và đúng quy định. Việc kiểm soát chi tại KBNN Huyện được quan tâm, qua đó kịp thời phát hiện sai sót và xử lý giảm chi so với đề nghị của chủ đầu tư

- Quyết toán công trình từng bước được nâng cao, Phòng Tài chính – Kế hoạch Huyện và KBNN Huyện phối hợp chặt chẽ, thông qua kiểm tra, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đã phát hiện, tiến hành giảm trừ thanh toán các khoản chi không đúng quy định. Việc thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về quyết toán vốn đầu tư, đảm bảo đúng quy trình và thời gian. Chất lượng thẩm tra, quyết toán vốn công trình được KBNN Huyện thực hiện.

- Hoạt động giám sát, thanh tra quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN đã được tăng cường. Qua công tác thanh tra đã đánh giá và chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB của cơ quan chuyên môn cùng những sai phạm của chủ đầu tư cũng như nhà thầu.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đầu tư XDCB nói chung và công tác quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN của huyện Yên Thành nói riêng vẫn còn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, đối với việc lập kế hoạch vốn đầu tư XDCB từ NSNN. Kế hoạch phân bố vốn còn mang tính ngắn hạn, một số dự án đầu tư, quyết định đầu tư còn chưa phù hợp với khả năng cân đối của địa phương, cơ cấu phân bổ vốn chưa hợp lý. Kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án còn dàn trải và kéo dài, không đảm bảo thời hạn để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; công trình chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong quá trình thực hiện một số dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh lớn so với ban đầu nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện bố trí vốn theo quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Thứ hai, công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN. Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, gặp một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, hoàn chỉnh hồ sơ làm căn cứ thanh toán của chủ đầu tư cũng chậm.

Thứ ba, công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Tình trạng chậm quyết toán vốn đầu tư XDCB, tồn đọng quyết toàn còn nhiều. Năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư còn hạn chế, chậm trễ trong giải quyết các vướng mắc khi lập báo cáo quyết toán và thiếu kiểm tra, đôn đốc của cơ quan chức năng đầu ngành (cơ quan Tài chính), thái độ xử lý vi phạm chưa cương quyết. Năng lực, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư chưa đồng đều. Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán còn mang tính hình thức.

Thứ tư, công tác giám sát, thanh tra. Công tác này chưa toàn diện, đầy đủ, chế tài xử phạt chưa nghiêm, nên chưa thực sự phát huy được hiệu lực trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong hoạt động quản lý, chưa đánh giá được hiệu quả của vốn đầu tư.

Nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan:

Nguyên nhân chủ quan

Công tác quy hoạch tại huyện Yên Thành chưa được đầu tư thỏa đáng và khoa học. Một số quy hoạch chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ. Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chậm được bổ sung, điều chỉnh như: Quy hoạch cấp nước, thoát nước... dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn và thiếu thống nhất; chưa phù hợp với nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xác định chủ trương đầu tư còn nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội; nhiều dự án được quyết định không dựa vào sự cần thiết để đầu tư mà do có sẵn nguồn kinh phí hoặc do chủ đầu tư “khéo xin”. Quy mô dự án nhất là đối với các dự án nguồn vốn tỉnh hỗ trợ mục tiêu thường không được tính toán tiết kiệm, hiệu quả mà thường quyết định ở quy mô lớn nhất có thể được.

Công tác kiểm tra, giám sát công trình chưa được tổ chức thường xuyên. Nhiều chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với các đơn vị thi công trong việc nghiệm thu khối lượng, thiếu khẩn trương trong quyết toán hạng mục công trình, đang có xu hướng dồn vào nghiệm thu một lần, gây khó khăn cho việc giải ngân của KBNN.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn chưa thường xuyên liên tục và thực hiện chưa nghiêm. Thiếu chế tài đủ mạnh đối với các hành vi phê duyệt quy hoạch sai.

Cơ chế phân công, phân cấp trong quản lý đầu tư XDCB còn nhiếu bất cập, chưa rõ người, rõ việc; các thủ tục hành chính liên quan còn rườm rà, chưa được mẫu hóa triệt để.

Năm 2022 thực hiện thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán được 186 công trình; giá trị chi đầu tư đề nghị quyết toán 239,031 tỷ đồng; tổng giá trị phê duyệt quyết toán 232,031 tỷ đồng; qua công tác thẩm tra quyết toán đã cắt giảm 7,001 tỷ đồng, tỷ lệ cắt giảm chiếm 2,93% so với số chủ đầu tư đề nghị phê duyệt quyết toán.

Nguyên nhân khách quan

Chế độ chính sách thường xuyên sửa đổi khiến chủ đầu tư phải dành nhiều thời gian điều chỉnh, bổ sung dự toán dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân thanh toán vốn; đồng thời cũng tạo ra những kẽ hở cho một số chủ đầu tư và nhà thầu lách luật đẩy giá trị dự toán và thanh, quyết toán lên cao.

Việc phân cấp trong quản lý nguồn vốn cũng như quyết định đầu tư chưa rõ ràng, còn nặng cơ chế xin cho; nguồn lực vốn đầu tư XDCB còn phân tán.

Năng lực của các đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, một số công trình lớn trên địa bàn Huyện thuê các đơn vị tư vấn có năng lực cao khảo sát, lập dự án, thiết kế công trình, còn hầu hết các công trình của Huyện do các đơn vị tư vấn tại địa phương thực hiện theo chủ trương khuyến khích phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn Huyện. Năng lực đội ngũ cán bộ tư vấn còn chưa cao; nhiều dự án, thiết kế phải thay đổi bổ sung nhiều lần làm giảm hiệu quả đầu tư.

Một số giải pháp đề xuất

Căn cứ vào thực trạng quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN tại huyện Yên Thành, cũng như những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra như trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Thứ nhất, lập kế hoạch vốn ĐTXDCB từ NSNN.

Cần căn cứ vào những kết quả đánh giá khách quan, khoa học và chính xác đối với thực trạng đầu tư XDCB, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước chi tiết đến từng ngành từng lĩnh vực. Tập trung làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch. Nâng cao chất lượng và tính khả thi các dự án quy hoạch; lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện công tác quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý sau quy hoạch của các cơ quan quản lý nhà nước, phối hợp quản lý chặt chẽ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ.

Thực hiện đúng nguyên tắc không bố trí kế hoạch vốn đầu tư XDCB cho các dự án chưa được phê duyệt hoặc phê duyệt sau ngày 31/10 của năm trước (trừ các dự án đặc thù, cấp bách) để yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình quản lý vốn đầu tư. Tăng cường phối hợp giữa Phòng Tài chính- Kế hoạch và các phòng ban, chủ đầu tư trong phân bổ kế hoạch vốn đầu tư XDCB hàng năm, đảm bảo khả thi, tránh điều chỉnh nhiều lần.

Thứ hai, về thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư trong thanh toán vốn đầu tư cho các dự án đầu tư theo kế hoạch năm. Tránh tình trạng nhiều dự án dù đã đủ điều kiện nhưng không triển khai thực hiện ngay mà đến cuối năm mới khởi công và nhiều công trình đã có khối lượng thực hiện nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công không hoàn tất thủ tục để thanh toán, dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn ở cơ quan cấp phát thanh toán. Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán ngay khi có khối lượng công trình hoàn thành, tránh tập trung thanh toán vào những tháng cuối năm gây khó khăn cho cơ quan thanh toán vốn đầu tư XDCB.

Thứ ba, quyết toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Huyện cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ quyết toán đối với các công trình hoàn thành để phòng ban chuyên môn tiến hành thẩm tra quyết toán nhằm khắc phục tình trạng chậm quyết toán các công trình. Các công trình hoàn thành đến đâu quyết toán dứt điểm đến đó. Đối với những công trình còn tồn đọng từ trước, Huyện cần có kế hoạch tập trung thời gian và lực lượng để quyết toán dứt điểm.

Trong thẩm tra quyết toán, cán bộ thẩm tra phải nâng cao chất lượng thẩm tra hơn là đẩy nhanh thời gian thẩm tra, số lượng dự án thẩm tra. Trong những trường hợp cần thiết, thì phải đi đến hiện trường kiểm tra thực tế đối với các khối lượng nghi ngờ, hồ sơ thể hiện không đầy đủ.

Thứ tư, kiểm tra, giám sát vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND theo hướng: Có kế hoạch giám sát thường xuyên hàng năm theo nhiệm kỳ HĐND; kết hợp giám sát định kỳ với giám sát đột xuất đối với một số dự án trọng điểm; giám sát hoạt động tại các dự án đầu tư trong những trường hợp cụ thể nhằm tạo ra yêu cầu, áp lực cao cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng nhằm phát hiện, uốn nắn những sai phạm trong quá trình quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng để đảm bảo hiệu quả cao. Công tác thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng phải được thực hiện ở tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, dự án hoàn thành tới khi đưa vào khai thác sử dụng, tiến hành thanh tra, kiểm tra ở tất cả các lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 113/2016/TTBTC hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN;
  2. Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 quy định về quyết toán hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước;
  3. Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN;
  4. UBND huyện Yên Thành (2019), Báo cáo quyết toán chi ngân sách nhà nước của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An năm 2020,2021,2022;
  5. UBND huyện Yên Thành (2019), Báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An năm 2020,2021,2022;
  6. Dương Đăng Chinh (2007), Quản lý Tài chính công, NXB Tài chính, Hà Nội.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023