Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

Huy Nguyễn

Ngày 22/9/2023, Học viện Tài chính đã phối hợp với Trường Đại học Greenwich, Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” lần thứ sáu (SEDBM6). Hội thảo được tổ chức thường niên, qua 5 lần tổ chức đã khẳng định được các giá trị về học thuật và thực tiễn.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người với nhau. Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn dưới sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó kinh tế thị trường và Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là những nhân tố hàng đầu tác động sâu sắc đến mọi quốc gia và lĩnh vực đời sống, xã hội.

Hội thảo quốc tế lần thứ sáu: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM6).
Hội thảo quốc tế lần thứ sáu: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM6).
 

Cùng với đó, thế giới trong giai đoạn vừa qua có nhiều biến động với một loạt thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra gay gắt, xu hướng quan hệ quốc tế thay đổi mạnh, kinh tế thế giới suy yếu… tiến trình toàn cầu hóa đang chững lại và có bước điều chỉnh đáng kể.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ cho biết, đối với các quốc gia, toàn cầu hóa và khu vực hóa có tác động tích cực là tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy mở cửa thị trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đầu tư dịch vụ… Tuy nhiên, mặt tiêu cực là toàn cầu hóa, khu vực hóa khiến các quốc gia có nguy cơ suy giảm độc lập, tự chủ về kinh tế, suy giảm về quyền lực quốc gia; các ngành kinh tế trong nước bị cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa thị trường nội địa.

Còn tại Việt Nam, việc tham gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa tiếp tục đặt nước ta trước cơ hội phát triển và cả những thách thức kinh tế, đối ngoại, văn hóa, an ninh ngày càng gay gắt hơn. Do đó, nhận diện xu thế toàn cầu hóa có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

Những năm qua, Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, đã xây dựng và bước đầu thực hiện mô hình phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều vấn đề đặt ra cần sớm giải quyết như: kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là thâm dụng các yếu tố vốn có giá trị tăng thấp, trong khi các ngành công nghiệp hiện đại chưa phát triển; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, môi trường ngày càng ô nhiễm cả ở nông thôn và thành thị… Những vấn đề này ngày càng bộc lộ rõ hơn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ chia sẻ, năm 2023, tiếp nối thành công từ những lần hội thảo trước, Học viện Tài chính phối hợp với: Trường Đại học Greenwich (Vương Quốc Anh), Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ sáu: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM6).

Hội thảo quốc tế lần này được tổ chức với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa.

Hội thảo đã nhận được hơn 140 bài viết, tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó, có các tham luận của GS. Robert Durand đến từ Trường Đại học Curtin Australia; TS. Nicholas Hand, Giám đốc quan hệ quốc tế, Đại học Greenwich (Vương quốc Anh).... Cùng với đó, trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về về các vấn đề lý luận, cơ hội và các thách thức về phát triển kinh tế và kinh doanh theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế. Ngoài 2 phiên họp toàn thể, Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên thảo luận chuyên sâu với chủ đề: (1) Phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa; (2) Tài chính và kế toán trong bối cảnh toàn cầu hóa; (3) Quản trị kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Các ý kiến tại Hội thảo đã cùng phân tích, nhận định và đánh giá, dự báo, đề xuất giải pháp… về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa. Các ý kiến có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của toàn cầu, khu vực cũng như Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.