Nâng vốn Nhà nước tham gia PPP để nâng lợi ích cho xã hội


Ngày 21/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng tới Trà Lĩnh lên 70% và dự án đường ven biển Thái Bình là 80%.

 

Phối cảnh dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng tới Trà Lĩnh.
Phối cảnh dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng tới Trà Lĩnh.

Hai dự án có chung đặc điểm là doanh thu và lưu lượng xe rất thấp, nên nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này ở mức quy định hiện nay là 50% thì phương án tài chính sẽ không khả thi.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: “Với mức vốn 50% của Nhà nước tham gia dự án đang là nút thắt chưa thu hút được các nhà đầu tư. Bởi vì điều quan trọng nhất của thu hút PPP đó là vai trò của Nhà nước và thứ hai đó là vấn đề chia sẻ rủi ro, chia sẻ vấn đề lợi nhuận, doanh thu suy giảm, đấy là vấn đề mấu chốt”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn tỉnh Bắc Giang) đồng quan điểm khi cho rằng: “Trong bối cảnh các dự án đã được lập, đã được triển khai đầy đủ, giờ chỉ còn liên quan đến tỷ lệ cơ cấu vốn của Nhà nước mà chúng ta không điều chỉnh kịp thời thì những thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn.

Vừa qua, Nghị trường Quốc hội “nóng” việc giải quyết những vướng mắc trong đầu tư hạ tầng giao thông khi các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về vấn đề này. 

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang), việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước so với quy định hiện hành là chưa đủ để tăng sức hấp dẫn đối với các dự án PPP giao thông, thậm chí có thể trở thành một hình thái mới về đầu tư công.

Đại biểu Phạm Thuý Chinh cho rằng, vấn đề các nhà đầu tư trăn trở nhất hiện nay chính là việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ hợp đồng được quy định trong Luật PPP và hợp đồng ký kết, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, các bên liên quan tại các dự án PPP cần chú trọng tới cả vòng đời dự án, trong đó có công tác vận hành, bảo trì, thu phí hoàn vốn… tránh tình trạng chỉ tập trung vào giai đoạn xây dựng.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, tỷ lệ vốn góp không nên quy định cứng mà phải căn cứ vào tính chất của các dự án và giai đoạn triển khai cụ thể khi triển khai công trình.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, các dự án PPP đang bế tắc, mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang bế tắc.

Từ trước đến nay, quy định liên quan đến tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa được hấp dẫn, tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%. Nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, chính vì thế, phần vốn của Nhà nước thực chất là hỗ trợ cho doanh nghiệp, không được nhiều. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh.

Theo đại biểu, trên thực tế, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm (2021-2025) chiếm khoảng 32%-34% GDP, tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư công chỉ khoảng 16%-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nghĩa là nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển./.

Theo Báo Kiểm toán