Nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng

TH.

Để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi là rất cấp bách. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần bổ sung nội dung tăng cường hơn nữa vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu các TCTD vào dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).

Trong tương lai, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có thể trở thành kênh giám sát từ phía thị trường đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong tương lai, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có thể trở thành kênh giám sát từ phía thị trường đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Vì sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng

Những năm qua, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, cũng như đóng góp vào quá trình tái cơ cấu TCTD. 

Trong đó, đáng chú ý, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phát triển an toàn và bền vững thông qua các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG); hỗ trợ thực hiện các phương án tái cơ cấu các QTDND được kiểm soát đặc biệt và hoạt động yếu kém; hỗ trợ đảm bảo tính liên kết hệ thống vững chắc; hỗ trợ chức năng quản lý nhà nước đối với các QTDND.

Với vai trò là công cụ đắc lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong triển khai chính sách BHTG, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực hiện cấp Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, kiểm tra đối với tổ chức tham gia BHTG, trong đó có các QTDND, đã được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập.

Theo đó, tổ chức này thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia BHTG, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Nội dung giám sát tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động; việc chấp hành các quy định về BHTG cũng như tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; qua đó cảnh báo rủi ro và các sai phạm, yếu kém mà các tổ chức tham gia BHTG cần khắc phục, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động của toàn hệ thống. 

Đồng thời, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam kiểm tra tại chỗ, chú trọng xem xét việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm, việc hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm của QTDND trong việc huy động tiền gửi của khách hàng, từ đó đề xuất biện pháp xử lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi BHTG.

Đặc biệt, đối với những QTDND có vấn đề, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Đối với QTDND yếu kém, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tham gia quá trình theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các quỹ này, đặc biệt là những quỹ có nguy cơ bị đổ vỡ có thể phát sinh việc chi trả BHTG.

Có thể thấy, thông qua giám sát, kiểm tra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã góp phần cùng với các cơ quan chức năng kiểm soát rủi ro tốt hơn, phát hiện rủi ro sớm hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống.

Ngoài ra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã và đang tham gia, hỗ trợ có hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND. Theo đó, tổ chức này thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi và các nhiệm vụ mới được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD trong tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD; thực hiện phối hợp cùng Ban Kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan để đánh giá cụ thể tính khả thi của phương án xử lý, phương án cơ cấu lại, phương án phá sản đối với QTDND; tham gia, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đánh giá phương án ngân hàng thương mại tham gia xử lý QTDND; hỗ trợ Ban Kiểm soát đặc biệt, chính quyền địa phương và ngân hàng thương mại trong việc rà soát, đối chiếu số liệu tiền gửi, thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại QTDND; tham gia hỗ trợ chức năng giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với QTDND…

Có thể nói, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền thông qua triển khai có hiệu quả chính sách BHTG và các hoạt động nghiệp vụ; góp phần cùng với các cơ quan trong việc đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, kiểm soát, phát hiện và cảnh báo rủi ro tốt hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của các QTDND và hệ thống các TCTD nói chung; chủ động nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các nội dung về sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý về cơ chế, chính sách đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, giúp hệ thống TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.

Không thể phủ nhận nỗ lực của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, gia tăng lòng tin của người dân, nhưng hoạt động, vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam vẫn chưa thật sự được thể hiện rõ rệt trong quá trình tái cơ cấu các TCTD. Hoạt động giám sát, kiểm tra của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đối với các tổ chức tham gia BHTG chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi. Vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt đối với QTDND, trong việc hỗ trợ thực hiện các phương án tái cơ cấu và xử lý QTDND yếu kém và hỗ trợ tăng cường tính liên kết hệ thống, trong hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với QTDND còn hạn chế. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do khung pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu thống nhất và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa được sửa đổi nên chưa tạo sự thống nhất với các quy định liên quan, chưa tạo cơ chế phát huy hơn nữa vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Tăng cường vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó, cơ quan soạn thảo đã chú ý nhiều hơn đến vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Cụ thể, tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này, Ngân hàng Nhà nước có bổ sung quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…

Tùy theo thực trạng, tính chất, mức độ rủi ro cần can thiệp sớm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số các biện pháp can thiệp sớm như: hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản; hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, hạn chế các giao dịch lớn, có rủi ro cao; đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; hạn chế thẩm quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành…

Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua; bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm; quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Đồng thời, dự thảo Luật tăng cường hơn nữa vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc xây dựng, đánh giá, phê duyệt về phương án can thiệp sớm. Cụ thể: Đối với phương án phục hồi QTDND, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với BHTG Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đánh giá tính khả thi phương án; đối với phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với BHTG Việt Nam đánh giá tính khả thi phương án.

Đối với việc xây dựng và phê duyệt phương án phá sản, theo dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét. Trường hợp xây dựng phương án phá sản QTDND, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với QTDND được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Để tăng cường vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định trong Luật Bảo hiểm tiền gửi về việc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, trong đó có QTDND được kiểm soát đặc biệt để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2017. Bổ sung quy định Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính đối với TCTD được Ngân hàng Nhà nước áp dụng hình thức can thiệp sớm nhưng chưa đặt vào kiểm soát đặc biệt (Luật hiện hành chưa có cơ chế này). Bổ sung quy định theo hướng Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại QTDND, xử lý QTDND yếu kém. 

Cần sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đầu tư của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD 2017. Chính phủ cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nâng cao năng lực tài chính, có cơ chế dự phòng rủi ro, xây dựng mạng lưới an toàn hệ thống và cơ chế phối hợp xử lý khủng hoảng tài chính – tiền tệ, nếu có.

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ về việc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoặc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, giám sát QTDND. Cho phép Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được tiếp cận thêm các loại thông tin về kiểm soát đặc biệt, cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém, trong đó có QTDND… 

Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò trong quản lý rủi ro cho hệ thống các TCTD và tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu định kỳ trình Thủ tướng Chính phủ nâng hạn mức chi trả BHTG nhằm củng cổ niềm tin và bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. 

Về phía Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và thực thi kế hoạch “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong tương lai, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng cần học hỏi mô hình tổ chức “đa chức năng” hơn để có thể trở thành kênh giám sát từ phía thị trường đối với hệ thống các TCTD. Khi có đủ thông tin và dữ liệu, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có thể phân loại các tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở mức độ rủi ro, có khả năng phân tích, dự báo, từ đó phát hiện từ sớm, từ xa những dấu hiệu bất thường trong hoạt động tài chính – ngân hàng nhằm tạo động lực để các tổ chức này quản lý rủi ro một cách chủ động, hiệu quả, sâu xa hơn nữa là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại và phát triển các TCTD thời gian tới.