Luật Các tổ chức tín dụng:

Minh bạch hóa cơ cấu sở hữu và nâng cao tính ổn định hệ thống

Tuấn Thủy

Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hướng tới việc hạn chế vấn đề về sở hữu chéo và đưa ra các quy định cụ thể về cơ chế đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Luật Các TCTD thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng.
Luật Các TCTD thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng.

Hạn chế sở hữu chéo ngân hàng

Một trong những mục đích chính của luật TCTD sửa đổi là nhằm hạn chế vấn đề sở hữu chéo, thông qua việc điều chỉnh giới hạn về tỷ lệ sở hữu và hạn mức cấp tín dụng tối đa.

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu, quy định mới mở rộng định nghĩa về các bên liên quan đến ngân hàng và yêu cầu công bố thông tin đối với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng trở lên. Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), quy định mới này hướng đến việc nâng cao tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra việc phân tán tỷ lệ sở hữu cho các cổ đông mới nắm giữ lượng cổ phần nhỏ. Để hạn chế việc tập trung quyền lực vào một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông, luật mới đã giảm mức trần sở hữu tối đa từ 15% xuống 10% đối với cổ đông là tổ chức trong nước và từ 20% xuống 15% đối với cổ đông trong nước và các đơn vị liên quan.

Tuy chưa có hướng dẫn hay lộ trình cụ thể cho những trường hợp đang vi phạm mức trần này nhưng luật mới cho phép các đối tượng trên được tiếp tục duy trì và không được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện tại, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, điều này gần như không tạo ra sự thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu của ngân hàng hiện tại trừ khi tổ chức tín dụng thực hiện phát hành riêng lẻ cho các cổ đông khác.

Đối với quy định giới hạn cấp tín dụng, sau vụ việc của SCB và Vạn Thịnh Phát, SSI Research cho rằng, việc giám sát chặt chẽ việc cho vay các bên liên quan và các công ty vệ tinh là điều cần thiết để đảm bảo dòng vốn được phục vụ đúng mục đích. Vì vậy, Luật Các TCTD sửa đổi đã giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa để giảm rủi ro tập trung.

Theo SSI Research, quy định này có thể phần nào tác động đến tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn của những ngân hàng có mối quan hệ thân thiết với các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực thi các quy định một cách hiệu quả cần có sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên từ phía các cơ quan quản lý .

Cải thiện chất lượng hệ thống ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chỉ định một ngân hàng khác tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt được đưa vào Luật TCTD sửa đổi để làm cơ sở pháp lý cho các trường hợp thực tế.

Phương án tái cơ cấu tập trung vào hỗ trợ thanh khoản, phục hồi hoạt động kinh doanh và xử lý nợ xấu dưới sự giám sát của NHNN và hỗ trợ từ một ngân hàng được NHNN chỉ định. Bằng cách mua nợ nhóm 1 và nhận vốn với lãi suất ưu đãi từ NHNN và ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sẽ được cải thiện với chất lượng tài sản tốt hơn và thu nhập từ lãi tăng.

Như vậy, thời gian tái cơ cấu dự kiến sẽ ngắn hơn so với việc để ngân hàng yếu kém tự giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, mấu chốt của cơ chế này là việc thực thi cần phải có sự minh bạch và được giám sát thường xuyên từ phía NHNN.

Bên cạnh đó, luật TCTD sửa đổi cũng đề cập đến một số quyền lợi cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như bán và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, không cần hợp nhất báo cáo tài chính, nới lỏng một số tỷ lệ an toàn và vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi.

Những điều kiện thuận lợi này có thể hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để phục vụ việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhưng việc này phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

SSI Research cho rằng, những quy định mới về phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong Luật Các TCTD sửa đổi sẽ giúp rút ngắn thời gian tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém bằng việc nâng cao chất lượng tài sản và thu nhập lãi; khuyến khích các ngân hàng tốt tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém; cải thiện chất lượng tài sản và tăng cường sự ổn định của hệ thống.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, với Chương mới được bổ sung, Luật Các TCTD đã thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc hơn, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại và phát triển các ngân hàng yếu kém.