Làm gì để "giải vây" cho đấu giá đất ở Đắk Lắk?


Thị trường bất động sản "đóng băng" trong một thời gian dài đã khiến công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp không ít khó khăn. Các phiên đấu giá đất rơi vào cảnh "ế ẩm". Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, số lượng đấu giá thành công chỉ được 135/700 thửa.

Một khu đất đấu giá tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Khả Lê
Một khu đất đấu giá tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Khả Lê

"Ế ẩm" đất đấu giá

Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những hoạt động tạo nguồn thu quan trọng đối với ngân sách các địa phương, đồng thời cung cấp nguồn đất nền cho người có nhu cầu về nhà ở.

Theo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2021 và 2022, việc tổ chức đầu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi động, tỷ lệ đấu giá thành công và chênh lệch giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm cao. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình đấu giá trầm lắng, có thể nói là "ế ẩm".

Có những khu đất tại trung tâm TP. Buôn Ma thuột, với hàng trăm thửa đất đấu giá nhưng thông báo 2 - 3 lần cũng chỉ bán được 1 - 2 thửa đất. Cá biệt có những khu đất thông báo nhiều lần nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

Chẳng hạn như: Khu đất gồm 128 thửa thuộc phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), giá khởi điểm hơn 360 tỷ đồng; khu đất gồm 48 thửa thuộc phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột), giá khởi điểm hơn 160 tỷ đồng; khu đất 91 thửa tại xã Ea Đar (huyện Ea Kar), khởi điểm hơn 80 tỷ đồng... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó quan trọng nhất là kế hoạch thu tiền sử dụng đất của tỉnh đề ra có nguy cơ “vỡ trận”, nguồn vốn cho giải ngân vốn đầu tư công không bảo đảm.

Chẳng hạn, năm 2023, TP. Buôn Ma Thuột được giao thu 1.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất, trong đó thu từ đấu giá đất là 1.045 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay thành phố mới thu được 520 tỷ đồng tiền sử dụng đất (gần 39% dự toán).

Theo lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột, tình trạng thu tiền sử dụng đất không bảo đảm kế hoạch là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của thành phố. Đồng thời đến tận tháng 6/2023, UBND tỉnh mới ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt giá đất. Do đó địa phương chậm triển khai các thủ tục để chuẩn bị bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với những khu đất đã được tỉnh phê duyệt giá khởi điểm cũng như các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành, có kế hoạch tổ chức bán và thu tiền sử dụng đất trong năm 2023.

Bên cạnh yếu tố trên, thời gian qua, thành phố đã đưa ra đấu giá nhiều lô đất nhưng tình trạng "ế ẩm" diễn ra phổ biến. Với tình hình này, UBND TP. Buôn Ma Thuột dự kiến đến cuối năm 2023, thành phố sẽ hụt thu 465 tỷ đồng từ nguồn đấu giá đất.

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự đối với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như ở huyện Krông Bông, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện đã tổ chức đấu giá 2 lô đất, với tổng số 20 thửa trên địa bàn thị trấn Krông Kmar. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lô đất nào được đấu giá thành công. Riêng lô đất gồm 6 thửa tại tổ dân phố 3 đã trải qua hai lần đấu giá không thành công. Hiện nay địa phương đang tiến hành các thủ tục để đấu giá lần thứ ba.

Cần có giá khởi điểm phù hợp

Ông Vũ Đình Tuệ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk cho biết, điểm chung của các phiên đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay là số lượng người tham gia đấu giá ít, chủ yếu là người địa phương, có nhu cầu đất ở thực. Giá trúng đấu giá cũng sát với giá sàn, chỉ chênh lệch ở mức độ thấp. Tình trạng "ế" đất đấu giá do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thị trường bất động sản đang bị "đóng băng".

Ông Vũ Đình Tuệ phân tích, thị trường bất động sản ở Việt Nam cơ bản dựa vào sức mua của các nhà đầu tư, đầu cơ. Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, nhà đầu tư không có nhu cầu với đấu giá đất do thanh khoản thị trường kém, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất tăng cao… Hơn nữa, giá đất khởi điểm chưa phù hợp với giá thị trường, bởi trong những năm trước giá đất trúng đấu giá cao đã tạo ra mặt bằng giá mới và vẫn đang được áp dụng ở thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu mua bán, giao dịch bất động sản.

Khu đất gồm 14 thửa tại tổ dân phố 4 (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) đã thông báo đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia. Ảnh: Khả Lê
Khu đất gồm 14 thửa tại tổ dân phố 4 (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) đã thông báo đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia. Ảnh: Khả Lê

Còn theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông Nguyễn Văn Tâm, ngoài nguyên nhân khiến tình trạng đấu giá đất "ế ẩm" là thị trường bất động sản "đóng băng" và nhu cầu người mua giảm hoặc không có nhu cầu thì một điều quan trọng nữa đó là việc xây dựng giá đất khởi điểm bán đấu giá theo giá của các năm trước, hiện chưa có cơ sở để giảm. Do vậy giá khởi điểm vẫn còn cao so với nhu cầu thị trường tại thời điểm này.

Cùng chung khó khăn do đấu giá đất "ế ẩm", năm 2023 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban B) là chủ đầu tư của 3 dự án có khu đất bán đấu giá. Theo dự toán, Ban B được tỉnh giao thu 430 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên đến nay mới thu được trên 110 tỷ đồng do tỷ lệ đấu giá đất không thành công chiếm cao. Ban này cũng đã đề nghị tỉnh điều chỉnh kế hoạch thu tiền sử dụng đất từ 430 tỷ đồng xuống còn 295 tỷ đồng.

Đề cập đến giải pháp góp phần khắc phục tình trạng đấu giá đất "ế ẩm", theo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh, trong thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác quảng bá thông tin đấu giá với nhiều hình thức, sao cho việc thông tin đấu giá có thể đến được nhiều người. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc đăng ký tham gia đấu giá và hoàn thiện các thủ tục có liên quan.

Phát biểu tại một cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho rằng, nếu khu đất nào đã bán đấu giá từ 2 - 3 lần mà không thành công thì các đơn vị, địa phương cần báo cáo UBND tỉnh xem xét để hạ giá đất khởi điểm nhằm tăng tốc thu tiền đấu giá đất.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu giá gần 700 quyền sử dụng đất. Tuy nhiên số lượng đấu giá thành công chỉ được 135 thửa. Tổng giá khởi điểm hơn 250 tỷ đồng, tổng giá trúng đấu giá hơn 260 tỷ đồng, mức giá chênh lệch giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm hơn 10 tỷ đồng. Chủ yếu là ở các huyện Krông Pắc (50 thửa), Krông Năng (35 thửa) và TP. Buôn Ma Thuột (29 thửa).

Theo Khả Lê/ Báo Đắk Lắk