Lãi suất giảm vẫn chưa kích được nhu cầu vay mua nhà của người dân


Dù nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất nhưng nhu cầu vay mua nhà vẫn đang ở mức thấp. Do kinh tế còn khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nên ngân hàng khó có thể kích được cầu tín dụng mua nhà trong giai đoạn hiện tại.

Thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà.
Thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà.

Lãi cho vay mua nhà đồng loạt giảm

Khảo sát tại nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể. Theo đó, lãi suất cho vay mua nhà tại Woori Bank đã xuống mức thấp nhất thị trường hiện nay với 7,2%/năm, tỷ lệ cho vay tối đa là 80% và kỳ hạn cho vay tối đa là 30 năm.

Một số ngân hàng khác cũng triển khai gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi không kém là SHB, MB, Hong Leong Bank. Cả hai nhà băng này đều có mức lãi suất là 7,5%/năm với tỷ lệ vay tối đa từ 75% - 80%.

Trong khi đó, Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm trong 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong các năm sau đó; hoặc 8,5%/năm trong năm đầu, 9,3%/năm trong 2 năm đầu, 9,5%/năm trong 3 năm đầu.

HSBC cũng có mức lãi suất cho vay giảm mạnh từ mức 11,5%/năm trong tháng 9 xuống 9,75%/năm.

Trước đó, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng có mức lãi suất khá cạnh tranh khi Agribank cho vay mua nhà với lãi suất năm đầu 8,5%/năm. Vietcombank có gói vay mua bất động sản với lãi suất 12 tháng đầu 8,5/năm, 18 tháng đầu 8,8%/năm, 36 tháng đầu 9,7%/năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm đã tăng trưởng 18,95%, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung. Trong khi đó, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản lại giảm 1,36%.

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó, cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại đang sụt giảm”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Theo người đứng đầu NHNN, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, khó khăn về mặt pháp lý của dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp; thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn", Thống đốc NHNN lý giải.

Một giải pháp được ngành ngân hàng triển khai gần đây để kích thích nhu cầu mua bất động sản là cho phép vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay cũ. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai mới chỉ một số ngân hàng thương mại công bố chương trình cho vay để khách hàng trả nợ ngân hàng khác nhưng điều kiện, thủ tục không đơn giản. Nhiều người muốn vay để trả nợ khoản vay mua nhà, mua xe ở ngân hàng khác nhằm giảm bớt áp lực lãi suất (vì khoản vay hiện hữu đang có lãi suất cao hơn nhiều so với vay mới) nhưng chưa thực hiện được.

Ngân hàng khó có thể kích cầu tín dụng mua nhà

Vợ chồng anh Minh và chị Yến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mặc dù có nguồn thu nhập ổn định, có tài chính hỗ trợ từ bố mẹ, tuy nhiên cũng gặp áp lực lớn khi tự mua nhà.

“Chúng tôi có ý định vay thêm 1 tỷ đồng để chuyển sang khu Tây Hồ, thuận lợi cho công việc. Tuy nhiên, nếu vay số tiền này với lãi suất thả nổi năm đầu là 8,5%/năm, có thể những năm sau lãi sẽ tăng vọt lên 14-15%/năm. Những người bạn của chúng tôi đã từng gặp phải “cú sốc” này nên hai vợ chồng còn băn khoăn về chuyện mua nhà”, anh Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho rằng, nguyên nhân nhu cầu vay mua nhà thấp không phải vì lãi suất cao. Hiện, lãi suất cho vay mua nhà gần như ngang bằng với thời kỳ trước dịch COVID-19, nên không thể nói là quá cao.

“Lãi suất cho vay mua nhà bình quân tại OCB nếu tính cả khuyến mãi hiện chỉ còn 7 - 8%/năm, không tính khuyến mãi thì khoảng 10%/năm”, ông Tùng cho hay.

Tổng giám đốc OCB cũng cho rằng sở dĩ cầu tín dụng bất động sản tiêu dùng của cá nhân hiện ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, dù người dân có nhu cầu về nhà ở song ngân hàng khó có thể kích cầu tín dụng mua nhà trong giai đoạn hiện tại. Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, nên khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà, mà kỳ vọng giá nhà cũng như lãi suất sẽ giảm thêm.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm 1 - 3%/năm so với đầu năm, nhưng với tín dụng cá nhân, trong đó có cho vay mua nhà để ở thì áp lực lãi suất vẫn lớn. Trong khi đó, chính sách ưu đãi lãi suất của các ngân hàng cũng chỉ áp dụng trong giai đoạn 6 tháng đến 1 năm đầu. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện để vay mua nhà.

“Vì sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm lương, nên thu nhập của người lao động giảm. Dù có ngân hàng hỗ trợ, nhưng áp lực trả lãi vay là bài toán mà khách hàng cần tính kỹ. Kỳ vọng khi lãi suất giảm thêm trong thời gian tới sẽ kích thích cầu tín dụng nhà ở tăng trở lại. Bởi lẽ, nhu cầu về nhà ở vẫn cao”, ông Huân nói.

Theo Thanh Hồng/vnbusiness.vn