Giải ngân vốn đầu tư kéo dài của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 58,47%

Bảo Thương

Ước đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài; kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 41,9% kế hoạch.

Quang cảnh Phiên họp.
Quang cảnh Phiên họp.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, năm 2023, kết quả giải ngân vốn 3 CTMTQG đã có tiến bộ, nhất là nguồn vốn đầu tư.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 Chương trình đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022); kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 41,9% kế hoạch.

Về giải ngân vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới, lũy kế đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%, cao nhất trong 3 CTMTQG.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Phiên họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Phiên họp.

Về chương trình giảm nghèo bền vững, báo cáo chỉ rõ, chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, qua giám sát cho thấy, các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý. Ban Chỉ đạo chung cho 03 CTMTQG các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan.

Bên cạnh đó, còn có sự trùng lặp về địa bàn, hiện thực hiện cả 3 CTMTQG; nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu  đặt ra; việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình ở cơ sở (nhất là cấp xã, huyện nghèo) chưa kịp thời.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, những hạn chế, bất cập trên đã làm cho tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 đến 31/01/2023 chỉ đạt 42,49% kế hoạch và kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Phiên họp. 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Phiên họp. 

Đoàn giám sát đã phân tích nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm, bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình này.

Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển nguồn vốn Trung ương và địa phương cả 03 CTMTQG năm 2023 chưa giải ngân hết sang năm 2024. Cho phép Chính phủ điều chỉnh một số nội dung, mục tiêu, chính sách, dự án, tiểu dự án của Chương trình.... không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các CTMTQG.

Tại Phiên họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã tổ chức hoạt động giám sát tối cao này; qua giám sát cho thấy những khó khăn, bất cập, từ đó khắc phục trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nỗ lực cố gắng hoàn thành mục tiêu giữa nhiệm kỳ của 3 CTMTQG, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn giám sát hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giám sát trình Kỳ họp thứ 6 tới.