Giá thành sản xuất là vấn đề lớn của ngành tôm


Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - thủ phủ tôm của cả nước, cho biết giá thành sản xuất cao là vấn đề lớn của ngành tôm. Nếu không khắc phục được, ngành tôm sẽ phải đối mặt khó khăn cả trong năm 2024 và thời gian tới.

Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD năm 2024. Nguồn: ITN
Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD năm 2024. Nguồn: ITN

Nhiều khó khăn bủa vây

Tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ 2024” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 23/2, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin, năm 2023 diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha, cơ bản không tăng so với năm 2022. Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2022, trong đó sản lượng tôm sú đạt 274.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845.000 tấn. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt 150 tỷ con. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD (giảm 19,8% so với năm 2022).

Theo kế hoạch sản xuất năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ cần 260.000 - 270.000 con; tôm giống 140 - 150 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt 737.000ha, sản lượng tôm các loại 1,065 triệu tấn (thấp hơn sản lượng năm 2023), trong đó tôm sú 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 765.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 4,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều thách thức khi giống tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (83,5% tôm chân trắng, 16,5% tôm sú) và khai thác từ tự nhiên (33,3% tôm sú bố mẹ), trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thuỷ sản (khoảng 40% số cơ sở) nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch.

Giá thành sản xuất tôm ở nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống nhập khẩu tôm bố mẹ cao. Đặc biệt, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt hơn 900 triệu USD. Nguyên nhân là do diện tích nuôi tôm phổ biến ở tỉnh còn nhỏ lẻ, tình hình nuôi còn mang tính tự phát, chưa liên kết, khó ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn tới năng suất thấp, hiệu quả chưa cao so với các địa phương khác. Đặc biệt, giá thành đang là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp khắc phục sẽ phải đối mặt khó khăn cả trong năm 2024 và thời gian tới. 

Giảm rủi ro trong khâu nuôi để hạ giá thành sản xuất

Ông Lê Văn Sử cho rằng, đóng góp lớn vào việc giảm giá thành nằm ở khâu tổ chức sản xuất. Liên kết chuỗi chỉ là một phần, quan trọng nhất là kỹ thuật nuôi. Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh mà để tỷ lệ rủi ro (tôm chết trong quá trình nuôi) cao như hiện nay thì khó giảm chi phí. Vì vậy, cơ quan chuyên môn, các viện, trường cần tập trung hỗ trợ địa phương sớm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho các mô hình nuôi, giảm tỷ lệ rủi ro, đặc biệt cho mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm có giải pháp kiểm soát và bình ổn giá vật tư đầu vào, đặc biệt là thức ăn trong nuôi tôm, nhằm ổn định giá nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng và phổ biến các mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm giá thành, giảm phát thải để nhân rộng. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác nghiên cứu các giải pháp phòng, trị bệnh mới nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ và đưa ra cảnh báo sớm đối với các bệnh trên để doanh nghiệp và người dân chủ động phòng ngừa.

Để đạt kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thủy sản tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định.

Các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Những địa phương trọng điểm nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm lúa, tôm rừng (Cà Mau, Kiên Giang...) duy trì diện tích nuôi tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến, tôm hữu cơ. Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng nuôi. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện.

Về phía Hiệp hội ngành hàng, ông Phùng Đức Tiến đề xuất, cần quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ. Tích cực áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật... Doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu. 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn