Điều hành, quản lý giá đảm bảo mục tiêu đề ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Minh Hà

Trong năm 2023, việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo mục tiêu đề ra. Mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, góp phần tạo động lực hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày 27/12/2023, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Cục Quản lý giá đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tài liệu phục vụ 4 cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá và tổ chức các cuộc họp Nhóm giúp việc xây dựng các báo cáo họp Ban chỉ đạo điều hành giá định kỳ hàng quý và đột xuất; phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng 4 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều giá.

Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát nhằm nhận định diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến trong nước; qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố tố có thể tác động lên mặt bằng giá để xây dựng các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm 2023.

Cũng theo ông Bình, việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là cơ sở quan trọng để phục vụ cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả, đồng bộ.

Trong quản lý, điều hành giá, Cục Quản lý giá đã phối hợp với các bộ, ngành chủ động dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành, giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức vừa phải; tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Với những biện pháp, điều hành giá linh hoạt, nên lạm phát năm 2023 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu ở mức cao. Dự báo, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm trong khoảng 3,2% - 3,4%, thấp hơn so với mục tiêu lạm phát đề ra (4,5%).

Xử lý kịp thời các sai phạm trong chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá

Bên cạnh triển khai nhiệm vụ quản lý, điều hành giá, Cục Quản lý giá đã thực hiện tốt công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Theo đó, Cục đã triển khai hiệu quả các quyết định của Bộ Tài chính về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá, về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, về lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng...

Đơn vị lồng ghép thực hiện với các hoạt động kiểm tra, nắm bắt những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách về giá, từ đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm. Qua đó, giúp cho công tác quản lý, điều hành giá được triển khai thực hiện hiệu quả, cũng như góp phần hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực giá.

Bên cạnh đó, đơn vị hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật về giá; đồng thời, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá cũng được Cục thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá.

Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến cho biết, Cục Quản lý giá sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao chất lượng của thẩm định viên.
Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến cho biết, Cục Quản lý giá sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao chất lượng của thẩm định viên.

Theo thống kê, đến ngày 5/12/2023, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 12 doanh nghiệp thẩm định giá; cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 124 doanh nghiệp thẩm định giá. Đồng thời, Cục đã đình chỉ 16 doanh nghiệp thẩm định giá và thu hồi 22 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đều đánh giá cao những kết quả quản lý, điều hành giá của Cục Quản lý giá trong năm 2023. Đại diện các đơn vị cho rằng, Cục Quản lý giá cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh, bám sát chương trình công tác, phối hợp hiệu quả với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2024.

Theo dõi sát diễn biến giá cả năm 2024 để có “kịch bản” điều hành phù hợp

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Cục Quản lý giá đã đạt được trong năm 2023.

Thứ trưởng khẳng định, trong năm 2023, mặc dù bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, với khối lượng công việc lớn, nhưng Cục Quản lý giá đã tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác quản lý, điều hành giá được Cục triển khai một cách toàn diện, cơ bản hoàn thành được kế hoạch, từ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đến tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, điều hành giá theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hoàn thành vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Cùng với đó, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính được Cục Quản lý giá triển khai thực hiện tốt.

“Việc điều hành, quản lý giá, kiềm chế lạm phát đảm bảo theo mục tiêu của Chính phủ đề ra trong năm 2023 là 4,5%. Theo dự báo, năm nay, chỉ số CPI đạt khoảng 3,3%. Như vậy, có thể khẳng định, công tác quản lý, điều hành giá của Cục Quản lý giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Lê Tấn Cận nhấn mạnh.

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Cục Quản lý giá tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đảm bảo ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giá trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Bên cạnh đó, Cục cần tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành giá, tham mưu với Ban Chỉ đạo điều hành giá về kịch bản phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá và quản lý nhà nước về thẩm định giá; kiến nghị với các bộ, ngành địa phương về các vấn đề liên quan tới giá hàng hóa, dịch vụ đảm bảo theo đúng quy định.

Chủ động vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành giá; đẩy nhanh thực hiện cập nhật dữ liệu, tiếp tục vận hành mô hình dự báo chỉ số CPI ngắn hạn đưa ra kết quả dự báo cho các tháng trong năm 2024.

“Để làm tốt các nhiệm vụ trên, đề nghị lãnh đạo Cục Quản lý giá cần chú trọng nâng cao chất lượng, tính chủ động trong tham mưu xây dựng các văn bản thể chế hóa trong quản lý giá để thực hiện đồng bộ, kịp thời; hoàn thành có chất lượng, đúng thời điểm các nhiệm vụ Bộ Tài chính giao; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật cũng như thực thi công vụ”, Thứ trưởng Lê Tấn Cận nhấn mạnh.  

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Tấn Cận và các ý kiến phát biểu đóng góp của đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, năm 2024, Cục sẽ chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật đảm bảo đồng bộ, chất lượng.

Nhìn lại năm 2023, Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến cho biết, đơn vị thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, để đảm bảo công tác điều hành của Chính phủ đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra. Dự kiến, chỉ số CPI cả năm 2023 là khoảng 3,3%. Đây là kết quả có sự đóng góp tích cực của Bộ Tài chính trong việc tham mưu với cấp có thẩm quyền kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá cả trên thị trường.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến, một nhiệm vụ nặng nề khác của Cục Quản lý giá trong năm 2023 là báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá năm 2023 và tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giá năm 2023. Để việc thực hiện Luật này vào thực tiễn cuộc sống, Cục đã tổ chức tập huấn, phổ biến những điểm mới về Luật Giá, cũng như xây dựng dự thảo các văn bản như nghị định, thông tư để hường dẫn triển khai Luật này.

Về triển khai năm 2024, Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong năm tới, Cục sẽ chủ động tham mưu với Bộ Tài chính rà soát cơ chế, chính sách sửa đổi việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự; tiếp tục tham mưu với Bộ Tài chính thực hiện vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá; phân tích các kịch bản điều hành, kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao chất lượng của thẩm định viên; rà soát các phương án giá sản phẩm dịch vụ; giá mua bán, chi phí xuất nhập bảo quản các mặt hàng dự trữ quốc gia...

“Năm 2024 xác định có nhiều khó khăn, thách thức, toàn thể cán bộ, công chức Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến nói.