Đề xuất vị trí việc làm chuyên ngành Tài chính và định mức biên chế công chức Bộ Tài chính

Nguyên Anh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư về vị trí việc làm chuyên ngành Tài chính và định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo dự thảo Thông tư, vị trí việc làm chuyên ngành Tài chính thuộc các lĩnh vực: Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Chứng khoán, Kế toán.

Cơ cấu ngạch công chức chuyên ngành đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo được quy định cụ thể như sau: Tại Vụ thuộc Bộ và Vụ thuộc Tổng cục: từ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc ngạch tương đương với ngạch chuyên viên cao cấp trở xuống.

Trong khi đó, tại Cục địa phương: từ ngạch chuyên viên chính hoặc ngạch tương đương với ngạch chuyên viên chính trở xuống. Tại Chi cục: từ ngạch chuyên viên hoặc ngạch tương đương với ngạch chuyên viên trở xuống. Riêng đối với lĩnh vực hải quan từ ngạch chuyên viên chính hoặc ngạch tương đương với ngạch chuyên viên chính trở xuống.

Việc xác định cơ cấu ngạch công chức chuyên ngành thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các văn bản liên quan. Các Tổng cục căn cứ quy định và các văn bản liên quan có trách nhiệm xây dựng đề án vị trí việc làm của đơn vị mình gửi về Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) để thẩm định.

Các Vụ thuộc Bộ có trách nhiệm xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm của đơn vị mình gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp và thẩm định. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định đề án vị trí việc làm của các Tổng cục và tổng hợp, thẩm định vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm của các Vụ thuộc Bộ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và phê duyệt vị trí việc làm của các Tổng cục và các Vụ thuộc Bộ. Tổng cục trưởng các Tổng cục có trách nhiệm phê duyệt danh mục vị trí việc làm chi tiết đối với từng đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục trên cơ sở Đề án vị trí việc làm của Tổng cục đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Hồ sơ trình đề án vị trí việc làm bao gồm: Văn bản đề nghị phê duyệt đề án vị trí việc làm; Đề án vị trí việc làm; Bản sao các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị; Quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, nội dung đề án vị trí việc làm gồm: Cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án vị trí việc làm; Thống kê và phân nhóm công việc theo chức năng, nhiệm vụ, tính chất, mức độ phức tạp của từng công việc trong đơn vị, cụ thể: số lượng nhóm công việc; nhiệm vụ của từng nhóm công việc; mức độ phức tạp của từng nhiệm vụ thuộc từng nhóm công việc; phạm vi và đối tượng quản lý của từng nhóm công việc; định mức của từng nhóm công việc...

Về điều chỉnh vị trí việc làm trong đơn vị thực hiện trong các trường hợp sau: Đơn vị có sự thay đổi một trong các căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư này; Đơn vị được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, hồ sơ điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này kèm theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh vị trí việc làm.

Ngoài các nội dung về vị trí việc làm, dự thảo Thông tư cũng quy định chi tiết về biên chế công chức của các Tổng cục và các vụ, cục thuộc Bộ. Theo đó, trình tự phê duyệt biên chế công chức hằng năm, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn các Tổng cục và các Vụ thuộc Bộ xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm. Các Tổng cục có trách nhiệm xây dựng kế hoạch biên chế công chức hàng năm gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp.

Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch biên chế của các Vụ thuộc Bộ và tổng hợp kế hoạch biên chế công chức của các Tổng cục trình Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở quyết định giao biên chế cho Bộ Tài chính hằng năm của cơ quan có thẩm quyền, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giao biên chế hằng năm cho các Tổng cục và các Vụ thuộc Bộ. Tổng cục trưởng các Tổng cục có trách nhiệm giao biên chế cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục trên cơ sở chỉ tiêu biên chế đươc giao...