Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số tạo đột phá cho logistics đồng bằng Sông Cửu Long


Ngày 2/12, tại TP. Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Logistics và chuyển đổi số cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân chung. Ảnh: Nguyệt Đỗ
Chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân chung. Ảnh: Nguyệt Đỗ

Diễn đàn có sự tham dự của Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Tỉnh Đồng Tháp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham dự.

Theo số liệu thống kê thông tin tại Diễn đàn  ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước. Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics của vùng là rất lớn, nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số tạo đột phá cho logistics đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 1
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Nguyệt Đỗ

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành logistics của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Doanh nghiệp trong ngành logistic ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô, nâng cao năng lực trong quản trị, vận hành. Đến cuối năm 2021, có gần 35.000 doanh nghiệp với tổng số 563.354 lao động đang làm việc; thu hút FDI trong lĩnh vực logistic tăng mạnh…

Năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực, Việt Nam thuộc top 5, cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Hiện nay, theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8% -17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới.

Tại diễn đàn, ý kiến các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong logistics giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và giữa các bên trong chuỗi cung ứng. Từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, của ngành dịch vụ logistics và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Hiện nay, một số tỉnh, thành như Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long… đặt trọng tâm chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển logistics, khơi thông luồng hàng cho nông sản ĐBSCL.

Theo Nguyệt Đỗ/Báo Đồng Tháp