Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng không thể "ăn xổi"

Theo Phương Trang/vnbusiness.vn

Việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã qua thời kỳ "lướt sóng" kiếm lời. Thị trường đang hướng vào phát triển bền vững, nên đầu tư trung và dài hạn là sự lựa chọn mang lại hiệu quả cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Từ năm 2019, một số chủ đầu tư thất hứa cam kết lợi nhuận với khách hàng dẫn đến niềm tin bị mai một. Bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 ập tới như một "cú đấm bồi" khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng càng bị “thương” nặng hơn.

Lựa chọn thời điểm

Hiện tại, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chuẩn bị kịch bản “sống chung với Covid”, khi vắc xin đang dần được phủ kín tạo miễn dịch cộng đồng. Đây cũng là lúc các ngành nghề, lĩnh vực và thị trường BĐS cần phải bật lên sau những ngày “ngủ đông”, đặc biệt là đối với BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Như VnBusiness đã thông tin, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường BĐS nghỉ dưỡng gần như "đóng băng". Chỉ có một số dự án được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng, cụ thể căn hộ du lịch hơn 1.400 căn, văn phòng kết hợp lưu trú 453 căn.

Nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19. 

Tuy nhiên, khi kịch bản "sống chung với Covid" đang được Chính phủ chỉ đạo lên kế hoạch thì cũng là lúc giới đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư từ BĐS nghỉ dưỡng.

Anh Nguyễn Anh Đức, Công ty BĐS ABLand cho hay, đã có một số khách hàng liên hệ tìm hiểu về BĐS nghỉ dưỡng như condotel ở Phú Yên, biệt thự nghỉ dưỡng ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Điều mà nhiều nhà đầu tư băn khoăn là nên “lướt sóng” ngắn hạn hay đầu tư trung và dài hạn. Bởi, hiện giá BĐS nghỉ dưỡng tương đối mềm, nhiều nhà đầu tư có sản phẩm thứ cấp trước đó không gồng nổi chi phí trả vay ngân hàng nên đã bán sớm khi chưa nhận nhà.

Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, anh Nguyễn Hữu Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) đang rất mong các chuyến bay nội địa được nối lại để anh đến Cam Ranh (Khánh Hoà) chốt giao dịch biệt thự nghỉ dưỡng ở khu vực này. Do lệnh giãn cách mà kế hoạch đầu tư BĐS nghỉ dưỡng của anh phải tạm hoãn. Là nhà đầu tư lâu năm “đánh đâu trúng đó”, anh lập cho mình kế hoạch rất chi tiết: đây là thời điểm mua vào và chời đợi 2-3 năm, thậm chí 5 năm mới bán ra.

Đầu tư trung và dài hạn

Về tương lai của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, thị trường BĐS ven biển trong ngắn hạn sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là dưới tác động của du lịch phục hồi và đô thị hóa sau 2 năm bị nén do dịch bệnh. Thế nên, đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, du lịch đang được xem là mũi nhọn phát triển kinh tế Việt Nam với mục tiêu sẽ trở thành một trong 30 cường quốc du lịch lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2025-2030. Ở khu vực Đông Nam Á, du lịch Việt Nam đang là số 1, bởi Singapore quá nhỏ, Thái Lan chỉ có một số điểm đến tiêu biểu, còn Việt Nam có rất nhiều điểm đến đẹp, tiềm năng kinh tế du lịch rất lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển du lịch, hạ tầng, tạo những điều kiện để có thể sớm cất cánh trong nền kinh tế du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư hiện nay cho nền kinh tế du lịch đang ở giai đoạn bước đầu, cần phải đầu tư rất nhiều vào hạ tầng để phát triển kinh tế du lịch, như các khu lưu trú, vui chơi giải trí, đại đô thị. Vì đang ở giai đoạn đầu, nên giá cả của BĐS du lịch còn thấp, còn nhiều dư địa để nhà đầu tư vào thị trường BĐS du lịch.

Nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng, có những khách hàng vẫn có lời, nhưng nhiều khách hàng dùng đòn bẩy tài chính nên đã gặp khó khăn, thậm chí phải bán đi để trả nợ. Như vậy, điều này cũng cho thấy, việc đầu tư “lướt sóng” hay đầu tư dài hạn còn phụ thuộc vào từng thị trường, từng dự án.

Theo ông Đính, nếu đầu tư “lướt sóng” thì nên đầu tư ở những dự án mới khởi đầu, mới triển khai các hệ thống hạ tầng, đang triển khai các công trình. Còn khi dự án đã hoàn thiện đưa vào khai thác kinh doanh, giá tăng đến kịch trần thì không “lướt sóng” được nữa. Lúc này, cơ hội cho thuê, khai thác kinh doanh đối với những dự án có vị trí thuận lợi ở những khu vực phát triển, kết nối giao thông thuận tiện thì khả năng sinh lời tiếp tục khiến giá BĐS tăng cao.

Ở góc độ đơn vị phân tích thị trường, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc CBRE Việt Nam nhìn nhận, BĐS ven biển luôn tiềm năng. Tuy nhiên, giai đoạn “lướt sóng” BĐS ven biển đã qua đi, nhiều thị trường đã trải qua những cơn biến động giá mạnh mẽ sau những giai đoạn "lướt sóng".

“Chính vì vậy, theo tôi, đầu tư trung và dài hạn sẽ đem đến hiệu quả cao cho nhà đầu tư đối với BĐS ven biển”, bà Dung nhấn mạnh.