Hải quan Bình Dương:

“Đánh thức” năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt

Minh Dũng/HQBD

Trong bối cảnh khó khăn chung, việc hướng doanh nghiệp mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa cũng như hàng hóa vận chuyển bảo đảm an toàn, đúng lịch trình.

Mở rộng phương thức vận chuyển

Cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp từ Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đưa lô hàng đầu tiên của doanh nghiệp gồm tinh bột sắn (loại dùng làm thực phẩm) gần 500 tấn xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc chính thức được khởi hành. Lô hàng đã được Cục Hải quan Bình Dương giải quyết thủ tục Hải quan xuất khẩu; tờ khai được Hệ thống xử lý dữ liệu tự động (VNACCS/VCIS) phân luồng Xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và được thông quan tự động).

Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho rằng, sự kiện mở ra một phương thức vận chuyển hàng hóa mới góp phần giảm áp lực lên giao thông đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, giúp doanh nghiệp vừa nâng cao năng lực xuất, nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động gia công sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Đồng thời mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh...

Đối với hàng hóa nhập khẩu, dự kiến tháng 10/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có lô hàng thử nghiệm, 1-2 container của nhiều chủ hàng khác nhau nhập khẩu từ Trung Quốc vào kho CFS-TBS Tân Vạn (thuộc sự quản lý của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương). Sau đó, tùy theo tình hình, mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp (chủ hàng) thực hiện đăng ký tờ khai hải quan theo các loại hình tương ứng (kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu…) để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp rất mạnh, có nhiều KCX-KCN, doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.

Khi mở ra được dịch vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thêm sự lựa chọn đối với một phương thức vận tải mới. Đồng thời giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí logistics.

Trước đây, doanh nghiệp của Bình Dương xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu qua cảng Cát Lái và Cái Mép. Với phương thức vận tải đường sắt doanh nghiệp có thể tiếp cận làm thủ tục trực tiếp tại Bình Dương, sau đó ngành đường sắt sẽ mang hàng từ Bình Dương sang Trung Quốc. Có thể quá cảnh từ Trung Quốc đi sang các nước thứ ba như Nga, châu Âu và rất nhiều nước khác…

Rào cản cần gỡ bỏ

Chia sẻ về phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Điều hành Công ty TBS Logistics bày tỏ vui mừng cho rằng, việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc là tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng.

Bởi trước đây muốn đưa hàng sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội) hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu hàng hóa.

Nay doanh nghiệp có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều.

Trước đó vào tháng 2/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã khai trương hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang). Giai đoạn 1 (2023 - 2024), VNR tổ chức lập tàu liên vận quốc tế tuyến Kép - Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) với tần suất bình quân 1,5 - 2 đôi tàu/ngày.

Đây được xem là bước quan trọng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam, giảm tải cho 2 ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội) và Đồng Đăng, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Các lô hàng, đặc biệt là nông sản, trái cây được vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc nhanh chóng, tránh việc phải nằm chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại biên giới làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Có thể thấy, khi đã mở được những cửa khẩu ngay tại khu hậu cần logistics hoặc ngay trong khu công nghiệp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa có thể làm thủ tục hải quan ngay trong nội địa, thay vì phải ra tới biên giới rồi xếp hàng chờ đợi như trước đây.

Điều đó giúp giảm thiểu rất nhiều thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí logistics, hạ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, giúp địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng miền, trong khi đường sắt cũng có điều kiện để tăng doanh thu vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH MTV XNK Tiến Khanh, dù xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt có lợi thế như quá trình vận chuyển thông suốt, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác… song điều kiện, cơ sở hạ tầng, bến bãi, dịch vụ logistic tại đây xuống cấp, chưa đầy đủ, nên doanh nghiệp vẫn phải ưu tiên vận chuyển bằng đường bộ.

Mặt khác, theo lo ngại của một số doanh nghiệp, khi khối lượng hàng hóa tăng đường sắt cũng gặp rất nhiều vấn đề bởi vì hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam đang rất lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng.

Năng lực vận tải thông qua thấp do các hạn chế nhà ga, bãi hàng, tải trọng cầu đường; không kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là kết nối với các cảng biển. Tình trạng thiếu phương tiện vận tải (đầu máy, toa xe hàng) cũng là khó khăn lớn khi khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng đột biến.