Cho vay kinh doanh bất động sản và đầu tư chứng khoán tiềm ẩn rủi ro cao nhất trong năm 2024


Các tổ chức tín dụng (TCTD) quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng. Trong đó, 2 lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất tiếp tục là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Các TCTD dự báo cho vay bất động sản và đầu tư kinh doanh chứng khoán được dự báo tiềm ẩn rủi ro cao nhất trong năm 2024.
Các TCTD dự báo cho vay bất động sản và đầu tư kinh doanh chứng khoán được dự báo tiềm ẩn rủi ro cao nhất trong năm 2024.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước công bố, các TCTD cho rằng diễn biến tăng trưởng kinh tế; lãi suất; thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh; cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu; chất lượng dịch vụ cải thiện là những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Trong khi ở chiều ngược lại, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng là những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Ba lĩnh vực gồm: Bán buôn, bán lẻ; Xuất, nhập khẩu; Sản xuất thức ăn và đồ uống được nhiều TCTD lựa chọn là động lực tăng trưởng tín dụng nhất trong năm 2024.

Trong 6 tháng tới, các TCTD quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại trong cả năm 2024 so với năm 2023.

Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics được dự báo giảm. Ngược lại, 2 lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất tiếp tục là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024, có 70,3-73,3% TCTD dự kiến tiếp tục giữ nguyên không đổi hoặc nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình (13,9-16,8% TCTD dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng, 12,9% TCTD dự kiến thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng).

Các TCTD cũng dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp và nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân (dự kiến áp dụng đối với lĩnh vực vay phục vụ đời sống, vay mua bất động sản để ở).

Trong báo cáo ngành ngân hàng vừa công bố, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán MBS kỳ vọng, trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiến hành giảm giá các sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người mua thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền khi mà các chính sách đang nới lỏng hơn trước. Điều này giúp kích thích tín dụng cho ngành bất động sản.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiền đổ vào bất động sản sẽ còn chậm do trái phiếu bất động sản lại trở thành gánh nặng cản trở dòng tiền chảy. TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, dẫn số liệu, năm 2023 các công ty bất động sản chỉ thanh toán chừng 15% trái phiếu đến hạn. Năm 2024, số tiền ước tính nhiều hơn khoảng 16 tỷ USD. Điều này buộc các công ty bất động sản phải chật vật kiếm tiền trả hoặc chỉ còn cách xin khất nợ. Về phía ngân hàng, đây là chỉ tiêu ảnh hưởng đến quyết định cho vay doanh nghiệp địa ốc.

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn