Chính sách thuế môi trường tại các nước châu Âu và khuyến nghị đối với Việt Nam

Trần Lương Quang Minh- Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính)

Chính sách thuế môi trường (hay còn gọi là thuế xanh, thuế sinh thái) là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính sách thuế gián thu của nhiều quốc gia. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia sử dụng thuế môi trường như một công cụ tài chính hữu hiệu nhằm hạn chế những hành vi gây tác động xấu đến môi trường để góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường. Bài viết khái quát kinh nghiệm của châu Âu trong việc áp dụng thuế môi trường và đưa ra khuyến nghị về việc hoàn thiện chính sách thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Khái quát về thuế môi trường tại châu Âu

Khái niệm thuế môi trường đã có mặt ở châu Âu từ năm 1920 khi Nhà kinh tế học Arthur C. Pigou cho ra đời cuốn sách The Economics of Welfare. Trong đó, Pigou đã đưa ra cách giải quyết ô nhiễm môi trường tối ưu thông qua việc đánh thuế ô nhiễm đối với vấn đề ngoại ứng do ô nhiễm để nội hóa chi phí ô nhiễm vào trong giá thành của sản phẩm, qua đó phản ánh chi phí cận biên của sản xuất ra sản phẩm với lý do cho rằng người gây ô nhiễm phải trả chi phí cho các ngoại ứng do ô nhiễm gây ra. Pigou đề ra nguyên tắc đánh thuế như sau: “Mức thuế ô nhiễm tính cho mỗi đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm có giá trị bằng chi phí ngoại ứng do đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm gây ra tại mức sản lượng tối ưu xã hội”.

Liên minh châu Âu (EU) định nghĩa thuế môi trường như sau: Thuế môi trường bao gồm các loại thuế mà căn cứ tính thuế của nó là một đơn vị vật chất (hoặc đại diện của một đơn vị chất) của một vật gì đó đã được chứng minh gây ra tác động có hại đối với môi trường”. Thuế môi trường bao gồm tất cả các loại thuế năng lượng, giao thông, tài nguyên và ô nhiễm (không bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Thuế môi trường được Ủy ban châu Âu coi là một công cụ thị trường hiệu quả để đạt được các mục tiêu chính sách về môi trường đồng thời đảm bảo cân đối hỗ trợ ngân sách. Thuế môi trường là một trong những biện pháp kinh tế được sử dụng nhằm tạo nguồn thu trực tiếp cho ngân sách, góp phần hỗ trợ đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới một nền kinh tế trung hòa các-bon vào năm 2050.

Xu hướng cải cách thuế môi trường tại châu Âu

Nhằm nâng cao vai trò của thuế môi trường trong hệ thống thuế quốc gia, nhiều quốc gia tại châu Âu đã áp dụng cải cách thuế môi trường và được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc sau:

Nguyên tắc đảm bảo tính trung lập của thuế phải được liên kết khi chuyển gánh nặng thuế: Cải cách thuế môi trường phải đảm bảo gánh nặng thuế được chuyển từ các sắc thuế truyền thống (chủ yếu là thuế thu nhập) sang thuế môi trường. Theo đó, số thu tăng thêm từ các sắc thuế liên quan đến môi trường sẽ tạo ra dư địa cho việc chủ động thực hiện giảm các loại thuế truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền: Bằng việc nội hóa các chi phí dưới dạng ô nhiễm môi trường, nguyên tắc này bắt buộc người gây ô nhiễm phải chi trả cho các chi phí xử lý môi trường phát sinh do hành vi gây ô nhiễm của họ. Điều này không chỉ góp phần công bằng hóa các chi phí xã hội mà còn thúc đẩy việc điều chỉnh các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Nguyên tắc lợi ích kép: Việc áp dụng thuế môi trường phải đạt được mục tiêu hạn chế được các hành vi sản xuất và tiêu dùng gây phương hại đến môi trường, vừa mang lại nguồn thu có thể được sử dụng vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế lên các hoạt động kinh tế, sinh hoạt của người dân. Thuế môi trường làm tăng chi phí sản xuất, dẫn tới việc cắt giảm chi phí trong những ngành, lĩnh vực sản xuất khác, ảnh hưởng trực tiếp đến người có thu nhập thấp, hoặc khiến người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn cho hàng hóa, sản phẩm.

Trong những năm 1990, một số nước châu Âu như Đức, Thụy Điển, Đan Mạch đã triển khai những bước đầu tiên về cải cách thuế môi trường nhằm củng cố nguồn lực cho ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng giai đoạn 1990 – 1992, Thụy Điển đã ban hành thuế các-bon nhằm tăng thu ngân sách. Tương tự, tại Đan Mạch, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái vào những năm 1980, đã ban hành thuế các-bon vào năm 1991 nhằm tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp tăng cao. Tại Đức, thuế môi trường được áp dụng năm 1999, doanh thu từ thuế này được dùng để giảm tác động của thuế thu nhập lên nhóm người lao động có thu nhập thấp và đảm bảo trợ cấp hưu trí xã hội. Tại Ireland, thuế các-bon đã được ban hành vào năm 2010 với mức thuế suất lũy tiến tăng dần theo từng năm nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên cho thấy, các khoản thu từ thuế môi trường có thể đưa vào nguồn ngân sách chung của nhà nước, giảm nợ công, thay thế các loại thuế truyền thống khác.

Phân loại thuế môi trường tại châu Âu

Phần lớn các nước châu Âu không ban hành đạo luật riêng về thuế môi trường. Mỗi nước có những sắc thuế riêng đối với từng đối tượng gây ô nhiễm như: thuế các-bon, thuế nhiên liệu, thuế xe cộ, thuế điện, thuế khí thải… Tùy thuộc vào lĩnh vực, thuế môi trường được phân thành 4 nhóm thuế chính, bao gồm:

Thuế đối với năng lượng: Thuế đối với năng lượng bao gồm các loại thuế thu vào đối với các loại năng lượng phát thải ra khí các-bon (xăng, dầu, than đá, khí tự nhiên, điện…) trong quá trình sử dụng. Thuế đối với năng lượng ở các nước châu Âu khá đa dạng, một số nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, một số nước áp dụng thuế xăng dầu hoặc thuế các-bon. Phương pháp tính thuế dựa vào số lượng năng lượng tiêu thụ. Số thuế phải nộp được tính dựa trên số lượng năng lượng tiêu thụ nhân với mức thuế tuyệt đối.

Thuế đối với giao thông: Thuế đối với giao thông bao gồm các loại thuế nhằm hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, qua đó hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí các-bon. Mức thuế suất thường được phân biệt theo đặc điểm xe (chỗ ngồi, dung tích xi-lanh, loại xe), trong đó quy định mức thuế thấp đối với các dòng xe thân thiện với môi trường.

Thuế đối với tài nguyên: Thuế đối với tài nguyên bao gồm các loại thuế thu đối với các hoạt động khai thác tài nguyên. Các đối tượng chịu thuế tài nguyên bao gồm tài nguyên nước, tài nguyên rừng, khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại, dầu thô khí than…

Thuế ô nhiễm: Thuế ô nhiễm bao gồm các loại thuế đánh vào các chất thải gây ô nhiễm môi trường hoặc các sản phẩm, hàng hóa mà trong quá trình sản xuất, tiêu dùng có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thuế ô nhiễm thu đối với các chất thải gây ô nhiễm môi trường nước (như BOD, COD…), khí quyển (như SO2, NOx, CFC…), đất (như rác thải, phân bón…) hoặc tiếng ồn. Bên cạnh các nhóm đối tượng trên, thuế cũng đánh vào các sản phẩm như hóa chất (ví dụ tại Đức, Đan Mạch, Thụy Điển), hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm (ví dụ tại Bỉ, Đan Mạch), bao bì nhựa (Anh).

Cơ cấu thu thuế môi trường của các nước châu Âu

Thuế môi trường đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các nước châu Âu. Bình quân tổng số thu thuế môi trường trong giai đoạn 2012 – 2021 ở khối EU là 305.999 tỷ Euro, chiếm khoảng 5,52% - 6,22% tổng thu ngân sách và khoảng 2,24% - 2,47% GDP hàng năm. Số thu thuế môi trường tại EU liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2012 đến năm 2021, bình quân tăng 1,86%/năm.

Trong tổng thu thuế môi trường tại EU năm 2021 thì nhóm thuế đối với năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 51,01% - 94,20%, trong đó Cộng hòa Séc, Luxembourg, Romania, Estonia, Ba Lan và Slovakia có tỷ lệ hơn 90%. Thuế đối với giao thông chiếm tỷ lệ cao thứ hai, khoảng 18,13%. Thuế ô nhiễm và thuế tài nguyên chiếm khoảng 3,52% trong tổng thu thuế môi trường của EU.

Kiến nghị đối với Việt Nam

Việt Nam đã ban hành sắc thuế BVMT vào năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ năm 2012. Việc ban hành chính sách thuế BVMT được xem là giải pháp tài chính hữu hiệu nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa có tác động xấu đến môi trường, đồng thời góp phần làm giảm bớt gánh nặng ngân sách. Trong giai đoạn 2012 - 2021, số thu từ thuế BVMT ở Việt Nam chiếm khoảng 1,36% - 4,15% tổng thu ngân sách và khoảng 0,30% - 1,07% GDP hàng năm, nguồn thu từ thuế BVMT đã tạo nền tảng tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thực hiện các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Trong giai đoạn tới, để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, chính sách thuế BVMT ở Việt Nam vẫn cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện cho phù hợp. Trên cơ sở kinh nghiệm áp dụng thuế môi trường tại châu Âu, việc hoàn thiện chính sách thuế BVMT tại Việt Nam có thể được thực hiện theo hướng sau:

Một là, cải cách thuế BVMT theo hướng bao quát các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Thuế BVMT thu vào đối với các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Dưới góc độ nghiên cứu, về nguyên tắc, các quy định về đối tượng phải bao hàm mọi sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Trên thực tế vẫn còn nhiều sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng nhưng chưa được quy định thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế BVMT. Danh mục đối tượng chịu thuế còn bỏ ngỏ một số những chất gây hại đến môi trường như các loại hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, khí than, khí tự nhiên. Thuế BVMT là một sắc thuế mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên việc lựa chọn đối tượng chịu thuế có mức độ ảnh hưởng đến môi trường trong giai đoạn đầu thực hiện là phù hợp, đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, cần xem xét để bổ sung thêm một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường khác vào diện chịu thuế BVMT theo lộ trình phù hợp trên cơ sở đáp ứng các nguyên tắc nhất định.

Hai là, cải cách thuế BVMT theo hướng tăng cường vai trò của thuế BVMT, đảm bảo tương xứng với tiềm năng và phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Cụ thể, cần nghiên cứu, rà soát để quy định mức thuế phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT trường, đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Nhìn chung, mức thuế BVMT của Việt Nam trung bình chiếm khoảng 0,71% GDP trong giai đoạn 2012 - 2021, điều này cho thấy tiềm năng về thuế BVMT của Việt Nam là còn rất nhiều dư địa để điều chỉnh.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc cải cách theo hướng tăng cường vai trò của chính sách thuế BVMT một cách phù hợp sẽ góp phần củng cố và cơ cấu lại ngân sách, giảm bớt gánh nặng thuế đối với các sắc thuế truyền thống như thuế nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, từ đó, hình thành nên các động lực mới để thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. 

Tài liệu tham khảo

  1. Trương Bá Tuấn (2022). Chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam. Số 2/2022;
  2. Tạ Đức Bình, Lại Văn Mạnh và Nguyễn Thị Thu Hiền (2020). Cơ sở khoa học, xu hướng thế giới và bối cảnh của Việt Nam về thuế các-bon. Tạp chí Môi trường. Số 12/2020;
  3. Schlegelmilch, Kai; Cottrell, Jacqueline; Runkel, Matthias; Mahler, Alexander (2016). Environmental tax reform in developing, emerging and transition economies;
  4. Dyduch, J. and Stabryła-Chudzio, K (2019). Fiscal impacts of environmental tax reform in selected EU member states. Economics and Environment. 68(1), p. 13;
  5. Eurostat (2013). Environmental taxes - A statistical guide;
  6. Eurostat (2022). Environmental tax statistics - detailed analysis.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 11/2023