Cần quy định hành vi cấm thao túng giá trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Văn Trường

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định hành vi cấm thao túng giá trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); bổ sung thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh bắt buộc phải công khai...

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 31/10.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 31/10.

Làm rõ hành vi thao túng, làm giá trên thị trường bất động sản

Góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trách nhiệm, tinh thần của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật rất quan trọng này. 

Làm rõ sự liên quan của dự án Luật này với Luật Nhà ở, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, tại Luật Nhà ở, Điều 57 quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, việc bán, cho thuê, mua các loại nhà được quy định trong luật này hoặc Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản không đề cập đến nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ cho cá nhân.

Về hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản, ông cho rằng, hành vi thao túng trên thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng trong kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế.

Để giải quyết tình trạng này, cần cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ. “Việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Do đó, nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng. Vì vậy, cần quy định hành vi cấm thao túng giá trong dự án Luật này”, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị.

Cùng góc nhìn, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường. Bởi trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Phân tích, làm rõ thêm về nguyên tắc chủ thể kinh doanh bất động sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý khá nhiều nội dung, đã thể chế hóa khá đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm thị phát triển bền vững.

Lưu ý khi triển khai các dự án bất động sản, vị đại biểu này lưu ý, các dự án bất động sản cũng gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, có tính đến thời điểm thực hiện quy hoạch, kế hoạch để cân đối nguồn cung - cầu; đã khắc phục được tình trạng đầu cơ đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.

Để đảm bảo hoàn thiện dự thảo Luật đồng bộ, sát thực tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định cụ thể trong dự thảo Luật về nguyên tắc chủ thể kinh doanh bất động sản; về tiêu chí, điều kiện để xác định giao dịch bất động sản của tổ chức, cá nhân vì mục đích kinh doanh.

Đồng thời, bổ sung thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh bắt buộc phải công khai; hoàn thiện chính sách của Nhà nước đối với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án được ưu đãi đầu tư...

Tháo gỡ điểm nghẽn, giúp thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh

Bên cạnh các nội dung trên, góp ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, tại Điều 23, cần quy định theo phương án cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách khi dự án có thiết kế cơ sở và được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. 

Đại biểu này cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển hơn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

Việc đầu tư dự án cần kinh phí không nhỏ, cho phép chủ đầu tư thu tiền đặt cọc sớm sẽ giúp chủ đầu tư phần nào có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, góp phần gia tăng cơ hội, thu hút các khách hàng tiềm năng. 

Để đảm bảo năng lực và khả năng thực hiện dự án của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc hạn chế rủi ro như phương án 1 chỉ cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản thu tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh sẽ bó hẹp các cơ hội của doanh nghiệp, đi ngược lại việc khuyến khích, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp phát triển.

Ở góc nhìn khác, đánh giá toàn diện về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, dự án Luật rất quan trọng, có nhiều nội dung liên quan dẫn chiếu với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số luật khác, được cử tri, nhân dân và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất quan tâm.

"Nếu Luật được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời giúp cho công tác quản lý nhà nước hiệu lực và hiệu quả hơn...”, đại biểu Trình Lam Sinh nhận định.