Các yếu tố tác động đến việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp tại An Giang

Cao Tiến Sĩ, Phạm Bảo Thạch - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này sử dụng mô hình hồi quy Logit, Probit để tìm ra các yếu tố tác động đến quyết định tham gia bảo hiểm nông nghiệp của nông dân trồng lúa ở tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu thực hiện trên 85 nông dân được quan sát ở các huyện Tri Tôn, Tân Châu và Châu Phú theo phương pháp thu mẫu thuận tiện cho thấy, thu nhập từ trồng lúa, số vụ trồng, số lần tư vấn và số lần gặp rủi ro tác động đến quyết định tham gia bảo hiểm qua kết quả thống kê mô tả và sử dụng mô hình hồi quy, nghiên cứu đề xuất các giải pháp như tăng cường tư vấn và hỗ trợ chính sách cho việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời xây dựng thủ tục đơn giản trong thanh toán bảo hiểm nhằm khắc phục rủi ro gặp phải cho nông dân, giúp nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhiều hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Biến đổi khí hậu sẽ tác có những tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực được đánh giá có mức độ phát triển tương đối thấp về kinh tế - xã hội so với các vùng trong cả nước (Garschagen và đ.t.g, 2012); Nơi này được dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong tương lai do kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên (Báo cáo ra soát nông nghiệp, 2015, trích trong FAO AQUASTAT, 2013). Những tác động của tự nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nơi đây.

Theo Tổng cục Thống kê, nông nghiệp là ngành có vị thế quan trọng ở khu vực ĐBSCL; đất sản xuất nông nghiệp tính chung cho ĐBSCL chiếm khoảng 64,3% trên tổng diện tích đất, An Giang có diện tích đất trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 79,9% cao hơn so với toàn vùng tính đến cuối năm 2016. Ngoài ra, dân số trung bình ở tỉnh An Giang chiếm tỷ lệ 15,36% trong tổng dân số thành thị ở ĐBSCL, dân số thành thị có xu hướng tăng nhanh qua các năm nhưng dân số ở nông thôn vẫn chiếm số đông. Nếu năm 2005 dân số thành thị ở An Giang khoảng 25% thì đến 2010 là 30% và sau đó không biến động nhiều, đạt mức 31% năm 2017, còn lại dân số sống ở nông thôn chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 về thí điểm nông nghiệp ở 21 tỉnh, thành trong giai đoạn 2011-2013 và Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, ngày 18/04/2018 quy định các hình thức và lợi ích các các bên tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) để khắc phục hoặc bù đấp phần thiệt hại khi có rủi ro xảy ra... là cơ sở quan trọng để triển khai BHNN.

Tuy đã ra đời lâu nhưng BHNN vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Tại An Giang, trong sản xuất nông nghiệp, trồng lúa chiếm tỷ lớn, diện tích khoảng 627,4 nghìn ha so với cây trồng hàng năm là 681,2 nghìn ha. Vì vậy, nghiên cứu này tìm hiểu các yếu tố tác động đến việc tham gia BHNN trong các hộ trồng lúa tại An Giang.

Lý thuyết đại diện

Nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi, Nguyễn Thị Ngọc Yến và Quang Minh Nhựt (2013) về nhu cầu tham gia BHNN trong trồng thanh long của 132 hộ được chọn ngẫu nhiên phân tầng tại Chợ Gạo, Tiền Giang bằng mô hình hồi quy Probit cho thấy, nhu cầu này phụ thuộc vào một số yếu tố như học vấn, hội đoàn thể, tập huấn, chi phí sản xuất, diện tích trồng và tổng rủi ro có tác động tích cực đến nhu cầu tham gia bảo hiểm của nông dân.

Một nghiên cứu khác của Matthew Ginder, Aslihan D. Spaulding, J. Randy Winter, And Kerry Tudor (2010) xem xét các quyết định mua bảo hiểm mùa màng của nông dân miền Bắc Illinois cho 315 quan sát được thu thập được trong trồng bắp và đậu nành, kết quả cho thấy, mức độ cung cấp kịp thời của đơn vị bảo hiểm, mối quan tâm đến thời tiết và năng suất cây trồng của năm trước tác động đến quyết định mua bảo hiểm của các hộ nông dân.

Jione Jung, Richard Weldon và John VanSickle (2005) trong nghiên cứu về quyết định tham gia bảo hiểm trồng trọt các loại cây bắp, đậu nành và các loại ngũ cốc khác ở khu vực như: California, Florida, New York và Pennysylvania với 18,756 quan sát. Bằng mô hình hồi quy Logit kết quả cho thấy, những người trồng nhiều vụ có khả năng mua bảo hiểm hơn, sự trợ giúp của Chính phủ trong tham gia bảo hiểm tác động đến khả năng tham gia của họ, năng suất kém không phải là động lực tham gia bảo hiểm mà do biến động giá đầu vào và đầu ra tác động đến lợi nhuận, nhận thức về rủi ro cây trồng sẽ dần đến nhu cầu tham gia bảo hiểm. Trong nghiên cứu cũng chỉ ra những nông dân có quy mô lớn sẽ có khả năng tham gia.

Nghiên cứu BHNN ở Việt Nam của Bạch Hồng Vân (2014) đưa ra một số khó khăn khi tham gia BHNN như vấn đề triển khai và tư vấn tham gia bảo hiểm, mức phí tham gia chưa phù hợp, chưa có cầu nối hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tham gia bảo hiểm.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng số liệu khảo sát 85 nông dân bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện qua bảng hỏi từ 11/2018 đến 12/2018 trên các địa bàn Tri Tôn, Tân Châu và Châu Phú thuộc tỉnh An Giang thông qua khảo sát bảng hỏi nông dân tham gia các buổi tập huấn tại địa bàn.

Mô hình nghiên cứu

Các nghiên cứu lược khảo cho thấy, các mô hình hồi quy Logit và Probit được sử dụng để tìm ra những yếu tố tác động đến quyết định tham gia bảo hiểm của những hộ nông dân. Tuy nhiên, nghiên cứu của Jeffrey M. Wooldridge (2012) cho thấy, mô hình Logit có phân phối tích lũy Logitis rộng hơn hơn so với mô hình hồi quy Probit với phân phối tích lũy chuẩn hẹp hơn. Với số lượng quan sát 85 và phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên thuận tiện, tác giả đề xuất sử dụng mô hình Logit cho nghiên cứu này để giảm thiểu sai lầm loại I trong nghiên cứu. Mô hình hồi Logit có dạng sau:

Dựa trên mô hình nhị phân: P(y=1|x)= G(β0 + β1x1+ … + βkxk) = G(β0 + xβ)

Trong đó, hàm G(z) = G(β0 + xβ) nằm trong khoảng từ 0 cho đến 1, điều này có thể đảm bảo cho xác suất ước lượng được nhận các giá trị từ 0 cho đến 1 và xβ = β1x1+ … + βkxk.

Trong mô hình Logit theo Wooldridge (2012), G là hàm logistic với dạng:

G(z) = exp(z)/[1+exp(z)] = Δ(z)

Với mọi số thực z thì hàm này có giá trị nằm trong khoảng từ 0 cho đến 1 và có phân phối tích lũy ở dạng phân phôi logistic chuẩn cho biến ngẫu nhiên. Hàm G(z) là dạng hàm tăng dần, tăng nhanh nhất ở z = 0 và G(z) dần đến 0 khi z dần đến trừ vô cực hoặc G(z) dần đến 1 khi z dần đến vô cực.

Dựa trên mộ mô hình biến ẩn y* = β0 + xβ + e, y = 1 [y* > 0 ],nếu y = 1 nếu y* > 0 và y bằng 0 nếu y* ≤ 0 và có thể suy ra xác suất tham gia của y:

P(y=1|x) = P(y* > 0|x) = P[e>-( β0 + xβ)|x) = 1 – G[-(β0 + xβ)] = G(β0 + xβ)

Việc giải thích ảnh hưởng của xj đối với hàm xác suất P(y=1|x) cũng có thể được đề cập đến xj ảnh hưởng đối với y*. Có thể trình bày E(y*|x) = β0 + xβ và đối với E(y|x) = P(y=1|x) = G(β0 + xβ) là như nhau. Nhưng biến ẩn y* hiếm khi có đơn vị đo lương rõ ràng và độ lớn của βj không có ý nghĩa và mục đích nghiên cứu là ước lượng xj đối với xác suất tham gia P(y=1|x), điều này phức tạp với bản chất tuyển tính của hàm G(z).

Trong mô hình này, để đánh giá ảnh hưởng riêng phần đối với xác suất tham gia cần phải dựa vào p(x) = P(y=1|x) từ đạo hàm riêng phần:

θp(x)/θxj = g(β0 + xβ) βj ,Trong đó g(z) ≡ (dG/dz)(z)

Vì G à một hàm cdf theo biến ngẫu nhiên liên tục và tăng dần, nên g là hàm mật độ xác suất lớn hơn 0 với mọi z. Do đó ảnh hưởng riêng phần của xj đối với p(x) phụ thuộc vào x thông qua g(β0 + xβ) nên ảnh hưởng riêng phần luôn cùng dấu với βj.

Dựa trên các nghiên cứu đã lược khảo, tác giả đề xuất các biến số như Bảng 1.

Bảng 1: Khảo lược và đề xuất các biến

Biến số

Diễn giải

Đơn vị

Dấu kỳ vọng

Y

Biến phụ thuộc

1: tham gia bảo hiểm, 0: không có

 

X1

Nhu cầu tham gia bảo hiểm

1: có; 0: không

+

X2

Số năm đi học

Năm

+

X3

Diện tích trồng lúa

Công (1000 m2)

+

X4

Tập huấn trồng lúa

1: có, 0: không

+

X5

Tham gia đoàn thể

1: có, 0: không

+

X6

Chi phí đầu tư cho 1 vụ

Triệu đồng/1.000 m2

+

X7

Thu nhập từ trồng lúa

Nghìn đồng/năm

+

X8

Số năm trồng lúa

Năm

+

X9

Số người trong gia đình

Số người

-

X10

Số vụ trồng trong năm

Vụ

+

X11

Hoạt động khác tạo thu nhập

1: có, 0: không

-

X12

Số lần được tư vấn bảo hiểm

Số lần

+

X13

Tổng rủi ro

Lần

+

Nguồn: Nghiên cứu đề xuất của tác giả

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thống kê mô tả các biến trong mô hình

Bảng 2: Các đặc điểm liên quan đến trồng lúa của hộ được khảo sát

Đặc điểm

Đơn vị

Tần số

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Thấp nhất

Cao nhất

Số năm đi học

Năm

85

8,965

2,670

1

12

Diện tích trồng lúa

1000 m2

85

17,859

14,223

2

60

Chi phí đầu tư trung bình cho một vụ

Triệu VNĐ/1000 m2

85

1954,646

392,787

1.400

3.500

Thu nhập bình quân một năm từ trông lúa

1000 VNĐ

85

70.718,800

49.798,150

6.000

200.000

Số năm kinh nghiệm

Năm

85

16,912

8,007

1

35

Số lao động tham gia trồng lúa

Người

85

2,000

1,024

1

6

Số hội đoàn thể

tham gia

Hội/đoàn thể

85

1,635

0,814

0

4

Nguồn: Số liệu được khảo sát từ các hộ

Bảng 2 cho thấy, các thống kê mô tả cơ bản các giá trị biến số. Trong đó, số năm đi học trung bình của người trồng lúa trong mẫu gần 9 năm, thấp nhất 1 và cao nhất 12; bên cạnh diện tích trồng lúa trung bình khoảng 18 công (khoảng 18.000 m2) và nhiều nhất là 60 công ngược lại với diện tích nhỏ nhất chỉ có 2 công.

Cùng với diện tích canh tác là chi phí đầu tư cho vụ và thu nhập trong năm của họ, cụ thể chi phí đầu tư cho vụ thấp nhất 1.4 triệu đồng và cao nhất 3,5 triệu đồng, trung bình vào khoảng trên 1,9 triệu đồng; đối với thu nhập trung bình khoảng 70 triệu đồng, thấp nhất là 6 triệu đồng nhưng cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Các biến số khác như số năm kinh nghiệm trung bình 17 năm, nhỏ nhất 1 năm và cao nhất là 35 năm, số lao động tham gia trồng lúa trung bình 2 và lớn nhất 6 ngược lại thấp nhất 1, còn số hội đoàn thể tham giá trung bình khoảng 1,6 hội, thấp nhất 0 và cao nhất 4. Bảng số liệu mô tả cơ bản các số liệu thu thập được từ nông dân cho thấy phần nào thông tin từ hoạt động trồng lúa.

Bảng 3: Các nguyên nhân ảnh hưởng đến nhu cầu không tham gia bảo hiểm

Giải thích tại sao không tham gia

Khả năng tham gia bảo hiểm

Tổng

Không

 

Ít rủi ro

10

0

10

Chưa triển khai

9

0

9

Diện tích ít

5

1

6

Chưa biết

9

0

9

Tốn kém chi phí

3

0

3

Không có lợi

3

0

3

Khó thanh toán khi có rủi ro

3

0

3

Chưa có nhu cầu

3

0

3

Khác

2

0

2

Tổng

47

1

48

Nguồn: Số liệu được khảo sát từ các hộ

Các kết quả khảo sát cho thấy, nông dân chưa thực sự tham gia BHNN nhiều, các nguyên nhân có thể giải thích trong Bảng 3. Khi hỏi về nhu cầu tham gia bảo hiểm thì kết quả chỉ có 1 người tham gia còn lại đa số không tham gia. Các nguyên nhân không tham gia bảo hiểm có thể kể đến lý do: Canh tác ít gặp nhiều rủi ro ở thời điểm hiện tại; bảo hiểm chưa triển khai thông tin đến họ; diện tích canh tác ít nên không có thu nhập cho bảo hiểm; hoặc ý kiến chưa biết thể hiện sự chưa nắm thông tin trong việc tham gia bảo hiểm và cần định hình rõ thông tin để tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, các lý do ít lựa chọn hơn như tốn kém chi phí, không có lợi, khó thanh toán khi có rủi ro và chưa có nhu cầu. Điều này cho thấy, mức chi phí bảo hiểm cần phù hợp hay sự hỗ trợ chi phí để có chi phí tốt hơn cho nông dân; đồng thời, tạo điều kiện hoặc thông tin cho nông dân thấy lợi ích khi tham gia bảo hiểm, đặc biệt vấn đề thanh toán cần dễ dàng và tốn ít thời gian, chi phí khi thanh toán bảo hiểm.

Bảng 4: Nhu cầu tham gia bảo hiểm của các hộ có thu nhập chính từ các hoạt động trong nông nghiệp

Hoạt động tạo thu nhập chính

Khả năng tham gia bảo hiểm

Tổng

Không

 

Trồng lúa

47

29

76

Trồng rau màu

3

5

8

Chăn nuôi

0

1

1

Tổng

50

35

85

Nguồn: Số liệu được khảo sát từ các hộ

Bảng 4 cung cấp số liệu hoạt động trồng lúa chiếm đa số trong khảo sát và nhu cầu tham gia bảo hiểm với số lượng cao hơn các hoạt động còn lại. Tuy nhiên, hoạt động này cũng có nhu cầu không tham gia cao nhất trong các hoạt động với khoảng 62% so với 38% tham gia trong tổng số trồng lúa; ngược lại, trồng rau màu nhu cầu tham gia khoảng 63% so với không tham gia 37% trong tổng số trồng rau màu. Điều này có thể giải thích rằng trồng rau màu khả năng gặp rủi ro và khả năng khắc phục và giảm thiểu rủi ro hạn chế hơn trồng lúa vì thời gian trồng ngắn và dịch bệnh tác động nhanh hơn.

Bảng 5: Khả năng tham gia bảo hiểm của những hộ được tập huấn nông nghiệp

Tập huấn trồng lúa

Nhu cầu tham gia bảo hiểm

Tổng

Không

 

Không

9

4

13

41

31

72

Tổng

50

35

85

Nguồn: Số liệu được khảo sát từ các hộ.

Tham gia tập huấn các lớp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp làm cho nông dân biết được cách sản xuất hiệu quả hơn, giảm được rủi ro trong sản xuất. Trong Bảng 5, nhu cầu tham gia bảo hiểm của nông dân dù có tập huấn hay không có tập huấn đều thấp hơn không có nhu cầu tham gia bảo hiểm trên tổng số mỗi nhóm không và có tập huấn.

Nếu nhìn cụ thể hơn vào dữ liệu cho nhóm không có nhu cầu tham gia bảo hiểm thì có tập huấn có tỉ lệ không tham gia là 82% ngược lại không tập huấn là 18%; bên cạnh nhóm có nhu cầu tham gia bảo hiểm thì có tập huấn là 89% và không có tập huấn là 11%. Như vậy, mặc dù số quan sát nhóm không có nhu cầu tham gia BHNN cao hơn so với nhóm có nhu cầu tham gia nhưng nếu được tập huấn thì khả năng tham gia bảo hiểm của nông dân cao hơn so với nhóm không được tập huấn. Vì vậy, cần tập huấn phần nào thông tin cho nông dân thấy được rủi ro gặp phải và đưa đến nhận thức giải pháp giảm thiểu rủi ro bằng bảo hiểm.

Bảng 6: Các rủi ro gặp phải trong quá trình sản xuất

Các rủi ro

Tần số (hộ)

Tỷ lệ (%)

Rủi ro trong sản xuất

   

Rủi ro thời tiết, khí hậu

48

56,47%

Giá lao động tăng

61

71,76%

Giá sản phẩm giảm

58

68,24%

Rủi ro tài chính

   

Thay đổi giá vật tư mua thiếu

57

67,06%

Lãi vay tăng

35

41,18%

Thanh toán không đúng hẹn

22

25,88%

Thiếu vốn sản xuất

49

57,65%

Rủi ro thể chế

   

Chính sách xuất khẩu

61

71,76%

Quy định về tiêu chuẩn

40

47,06%

Nguồn: Số liệu được khảo sát từ các hộ

Các rủi ro của nông dân gặp phải có thể kể đến như rủi ro trong sản xuất, tài chính và rủi ro thể chế. Cụ thể trong sản xuất đều gặp rủi ro với tỷ lệ hơn 50% số lượng được hỏi với rủi ro giá công lao động tăng là lớn nhất trong khảo sát, chiếm 71,76%; tiếp đến là giá sản phẩm giảm, rủi ro thời tiết và khí hậu. Còn đối với rủi ro tài chính thì thay đổi giá vật tư mua thiếu và thiếu vốn sản xuất đều có tỷ lệ trên 50% như thay đổi giá vật tư 67,06% và thiếu vốn sản xuất 57,65%; ngược lại lãi vay tăng và thanh toán không đúng hẹn với tỷ lệ lần lượt là 41,18% và 25,88%. Rủi ro thể chế có kết quả ngược chiều nhau, nếu chính sách xuất khẩu là 71,76% thì quy định về tiêu chuẩn 47,06%. Vấn đề này do điều kiện biến đổi khí hậu tác động vào sản xuất, nông dân chủ yếu sản xuất theo hình thức mua trước trả sau ở các cửa hàng vật tư do không đủ vốn sản xuất, bên cạnh lao động nông thôn hiện nay trong nông nghiệp đã giảm do chuyển sang làm các ngành công nghiệp và dịch vụ khác; tác động khi giá xuất khẩu giảm ảnh hưởng giá thu mua nông sản.

Bảng 7: Kết quả hồi quy logit và probit cho khả năng tham gia bảo hiểm của hộ

Biến số

Logit

dy/dx

Probit

dy/dx

X12

1,376***

3,27E-01

0,782***

0,300

 

(0,517)

 

(0,27)

 

X7

-0,0000123**

-2,93E-06

-0,00000730**

0,000

 

(0,00000582)

 

(0,00000326)

 

X10

-1,920**

-4,57E-01

-1,048**

0,020

 

(0,92)

 

(0,525)

 

X13

0,0871**

2,07E-02

0,0527**

-0,402

 

(0,0424)

 

(0,0245)

 

_cons

3,377

 

1,717

 
 

(2,767)

 

(1,594)

 

N

85

 

85

 

Standard errors in parentheses

* p<.1, ** p<.05, *** p<.01

Nguồn: Kết quả tính toán từ số liệu khảo sát

Dựa vào Bảng 7, các biến tác động đến khả năng tham gia bảo hiểm của hộ gồm thu nhập từ trồng lúa, số vụ trồng trong năm, số lần được tư vấn bảo hiểm và tổng rủi ro gặp phải. Trong đó, nếu xét ở cả hai mô hình thì tác động của thu nhập trồng lúa là nhỏ nhất, mặc dù yếu tố này có tác động đến khả năng tham gia bảo hiểm nhưng tác động này yếu.

Ngược lại, số lần được tư vấn tăng lên 1 lần thì khả năng tham gia bảo hiểm của hộ tăng trung bình 32,7% ở mô hình Logit và 30% ở mô hình Probit. Tiếp đến là số lần gặp rủi ro, nếu số lần gặp rủi ro tăng thêm một lần thì khả năng tham gia là 2,07% ở mô hình Logit, kết quả ngược lại ở mô hình Probit. Tương tự, kết quả phân tích ở số vụ trồng có sự đối lập ở 2 mô hình, nếu ở mô hình Logit thì khả năng tham gia trung bình giảm 45,7% còn mô hình Probit thì tăng 2%.

Kết luận và khuyến nghị

Kết luận

Kết quả thống kê mô tả cung cấp một số thông tin cơ bản về việc tham gia bảo hiểm của nông dân. Kết quả này cho thấy, nông dân chưa thực sự tham gia BHNN nhiều có thể xuất phát từ nhiều lý do nhưng chủ yếu do ít gặp rủi ro, chưa triển khai hoặc diện tích đất ít. Bên cạnh đó, việc tham gia tập huấn hay không tham gia tập huấn cũng cho thấy nhu cầu tham gia bảo hiểm của nông dân đều thấp hơn không tham gia bảo hiểm, tuy nhiên tập huấn phần nào cho thấy được rủi ro gặp phải và đưa đến nhận thức giảm pháp giảm thiểu rủi ro bằng bảo hiểm của họ.

Ngoài ra, thống kê các rủi ro nhiều nhất của nông dân như trong sản xuất nông dân giá công lao động tăng, giá bán sản phẩm giảm, các vấn đề về thời tiết và khí hậu, rủi ro giá vật tư mua thiếu và thiếu vốn sản xuất cũng như lãi vay tăng và thanh toán không đúng hạn. Kết quả hồi quy cung cấp những thông tin xác định các yếu tố cụ thể, kết quả phần nào phản ánh được khả năng tham gia bảo hiểm của nông dân như thu nhập từ trồng lúa, số vụ trồng, số lần được tư vấn và tổng rủi ro gặp phải.

Khuyến nghị

Nghiên cứu này cung cấp một góc nhìn về việc tham gia BHNN của nông dân. Có thể thấy, việc tham gia BHNN còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như diện tích ít, chưa triển khai và điều kiện tự nhiên chưa có nhiều rủi ro nhưng nếu đẩy mạnh triển khai trong tương lai cùng với những hỗ trợ từ chính sách nông nghiệp sẽ thúc đẩy nông dân tham gia nhiều hơn. Khảo sát cũng cho thấy, rủi ro đối với nông dân còn ít nhưng trong tương lai những thay đổi môi trường do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân nên cần phải cung cấp cho họ những biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Bên cạnh đó, một số thông tin cung cấp trong nghiên cứu cho thấy, nông dân có xu hướng tham gia bảo hiểm trong tương lai, vì vậy cần tập huấn hỗ trợ hay tư vấn viên cần tiếp cận hỗ trợ thông tin cho nông dân để họ có thể tham gia bảo hiểm dễ dàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bạch Hồng Vân (2014), BHNN ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (81), 2014;
  2. Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2013), Nhu cầu tham gia BHNNcủa nông hộ trồng thanh long huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 4, 2013;
  3. OECD (2015), Báo cáo rà soát Nông nghiệp và Lương thực của OECD: Chính sách nông nghiệp Việt Nam 2015. https://www.oecd.org/countries/vietnam/OECD-Review-Agricultural-Policies-Vietnam-Vietnamese-Preliminaryversion.pdf;
  4. Abouzar Nahvi và cộng sự (2014), Factors affacting rice farmers to participate in agricultural insurance. Journal of Applied Science and Agriculture, 9(4) April, Pages: 1525-1529, http://www.aensiweb.com/old/jasa/rjfh/2014/1525-1529.pdf.