2018: Kiểm soát để phát triển bền vững

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Bền vững là những cụm từ được đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chọn lựa để đúc kết và phác họa bức tranh toàn cảnh cũng như xu hướng phát triển trong tương lai của thị trường bất động sản. Trước bối cảnh vàng và ngoại tệ đều có dấu hiệu trên đà tăng giá, thị trường bất động sản năm 2018 cần phải được quản lý và điều hành theo hướng nào để đi đúng và trúng mục tiêu: Được kiểm soát và phát triển bền vững.

Để kiểm soát thị trường bất động sản bền vững, vấn đề công khai, minh bạch thông tin rất cần thiết. Nguồn: Internet
Để kiểm soát thị trường bất động sản bền vững, vấn đề công khai, minh bạch thông tin rất cần thiết. Nguồn: Internet

Trong Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cẩn trọng phát ngôn: “Năm 2018, chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn trên thị trường bất động sản”. Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA, tự tin nhận định: Năm 2018, thị trường sẽ vẫn bền vững và giữ được tốc độ tăng trưởng như năm 2017.

Môi giới cần chuyên nghiệp

VNREA Việt Nam hiện cũng chưa đưa ra cảnh báo gì về vấn đề đầu cơ, vì VNREA cho rằng đầu cơ chỉ là khi hàng hoá không đủ, có một nhóm đối tượng găm hàng để đẩy giá, trong khi nguồn hàng của thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang rất dồi dào. 

Điều quan trọng hiện nay là đẩy nhanh được tiến độ thanh khoản các dự án. Tuy nhiên, bên cạnh các nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất cần xây dựng đội ngũ môi giới bất động sản được đào tạo và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, bài bản.

Ông Nguyễn Ngọc Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng để tham gia phân phối nguồn hàng dồi dào, các nhà môi giới phải đảm bảo có chứng chỉ hành nghề môi giới, hiểu biết pháp luật nhằm giữ uy tín và giữ việc bán sản phẩm bền vững, tránh việc những nhà môi giới không chuyên tham gia vào. Như vậy, trách nhiệm không phải chỉ người môi giới mà còn cả chủ đầu tư. 

Điều mà người mua nhà cần được bảo đảm tuyệt đối, đó là sản phẩm phải thỏa mãn các yêu cầu về pháp lý, đi đôi với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, những thông tin về dự án bất động sản luôn nằm trong giới hạn không nhiều người biết. 

Đơn cử như các thông tin về quy hoạch, thay đổi quy hoạch, các dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội có liên quan, các “ẩn số” về nợ thuế, thế chấp dự án mà chủ đầu tư luôn muốn che giấu… 

Dư luận đặt câu hỏi “bao giờ chúng ta mới tạo lập được kho dữ liệu chuẩn, được cập nhật thường xuyên liên tục để phục vụ yêu cầu kiểm soát thị trường?”.

Để thiết lập hệ thống thông tin nền tảng cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam cho biết Bộ Xây dựng và các địa phương đang triển khai xây dựng một phần mềm chung áp dụng trên cả 63 tỉnh thành và đang triển khai cài đặt, tập huấn cho địa phương và hy vọng đầu năm 2018 đi vào hoạt động từng bước làm cho thông tin thị trường bất động sản được minh bạch hơn.

Ba nhà cùng công khai thông tin

Thị trường càng phát triển – yêu cầu về tính minh bạch càng cao; và tính minh bạch càng cao lại càng thúc đẩy thị trường chuyên nghiệp, bền vững. Tuy nhiên, bất động sản vốn là một thị trường đặc thù và để bảo đảm các yếu tố công khai, minh bạch thì không chỉ phụ thuộc duy nhất vào những thông tin một chiều mà chủ đầu tư công bố. 

Về lâu dài, cần có một hệ thống dữ liệu cập nhật liên tục cho người mua trên tất cả lĩnh vực từ quy hoạch, nguồn vốn, chuyển nhượng, thuế, tính pháp lý của nhà và đất. Điều này đương nhiên phụ thuộc rất nhiều vào kho thông tin bấy lâu vẫn độc quyền bởi các cơ quan quản lý nhà nước

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, cho rằng một số cơ quan như thuế, quản lý đất đai, quy hoạch cần xây dựng thêm hệ thống thông tin này. 

Khó khăn không dừng ở đó, việc tạo lập kho thông tin thị trường theo hướng công khai, minh bạch cần rất nhiều nguồn nhân lực và tài chính hỗ trợ

Để có một thị trường đủ mạnh và phát triển bền vững, trên rất nhiều góc độ – cả người bán, người mua và cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách tiếp cận dự án – mà trước hết là phải tạo niềm tin bằng cách làm công khai, minh bạch. 

Cũng chính tại Diễn đàn Bất động sản, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh: “Để đảm bảo quyền lợi người mua nhà, tới đây, việc thế chấp tài sản dưới dạng dự án bất động sản sẽ được quy định chặt chẽ hơn, thậm chí sẽ minh bạch hóa sự việc này trong kho thông tin dữ liệu”.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 5.000 căn hộ mới được đưa ra thị trường cuối năm 2017 và đang có khoảng 20.000 căn chào bán. Dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân với mức tăng trưởng khoảng 11% so với thời điểm tháng 12/2016. 

Tuy nhiên, còn một dòng tiền lớn khác của bà con Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang chờ để dội về thị trường này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện được các chính sách theo hướng công khai, minh bạch

Tín hiệu thị trường đang tốt lên nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn cảnh báo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần giảm dần sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. 

Điều đó có nghĩa, tới đây thị trường sẽ phát triển theo hướng đi vào thực chất. Như vậy, cả 3 phía: chủ đầu tư – người mua nhà – cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng nhau đối diện với những việc làm chưa có tiền lệ là chấp nhận “công khai, minh bạch” tất cả các cơ sở dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật về quản lý nhà và thị trường bất động sản.