Trump và tham vọng đưa các doanh nghiệp quay về Mỹ

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Dường như Tổng thống Trump đang kỳ vọng nhiều vào việc các công ty công nghệ lớn quay lại và tăng cường các nhà máy sản xuất tại Mỹ, trong đó có Apple.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO Apple Tim Cook trong chuyến thăm của Tổng thống đến nhà máy tại Texas
Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO Apple Tim Cook trong chuyến thăm của Tổng thống đến nhà máy tại Texas

"Bánh vẽ" của Tổng thống Trump

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO Apple Tim Cook vừa có chuyến thăm nhà máy sản xuất máy tính tại Austin, Texas. Apple cũng ra thông cáo báo chí khẳng định công ty này sẽ đóng góp cho nền kinh tế Mỹ khoảng 350 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2023. 

"Tôi luôn nói về Apple và luôn muốn thấy Apple xây dựng nhà máy ở Mỹ. Và điều đó đang diễn ra. Và Tim Cook là người tôi vô cùng kính trọng", ông Trump khẳng định. 

Theo Tim Cook, Mac Pro là “ví dụ của thiết kế Mỹ, sản xuất Mỹ và chất lượng Mỹ”. Máy tính Mac là sản phẩm duy nhất của Apple lắp ráp tại Mỹ. Apple bán được 218 triệu iPhone trong năm 2018, phần lớn lắp ráp ở Trung Quốc. Hồi tháng 6/2019, công ty giới thiệu mẫu Mac Pro mới nhưng không nói rõ sẽ sản xuất tại đâu. Theo Wall Street Journal, nó được lắp ráp ở Trung Quốc.

Theo giới quan sát, sự kiện này sẽ là một trong những bằng chứng cho thấy sự thành công của Tổng thống Trump trong việc đưa các tập đoàn lớn quay trở lại sản xuất tại Mỹ. Điều này cũng được thể hiện trong việc Apple thông báo bắt đầu xây trụ sở mới 1 tỷ USD tại Austin, hoạt động vào năm 2022 với 5.000 nhân viên. Trụ sở rộng hơn 2ha, có thể chứa tới 15.000 nhân viên.

Tuy nhiên, chặng đường này sẽ còn rất dài với Tổng thống Mỹ khi thực tế, nhà máy mà ông Trump tham quan thuộc sở hữu của Flex, một công ty đã sản xuất các máy tính Mac Pro hàng đầu của Apple từ năm 2013. Khi Apple quyết định sản xuất Mac Pro tại Mỹ vào năm 2012, CEO Tim Cook đã lên truyền hình để công bố sự kiện này. Nhưng khi việc sản xuất máy tính bắt đầu diễn ra ở Texas đã nhanh chóng gặp vấn đề, một phần là do thiếu nhà cung cấp gần đó khi mọi linh kiện dùng trong Mac Pro đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Mặt khác, nhà máy sản xuất  của Flex chỉ đang sử dụng khoảng 500 công nhân và họ lắp ráp một trong những sản phẩm có khối lượng thấp nhất của Apple. Và việc xây trụ sở trị giá 1 tỷ USD tại Texas, ngay cạnh nhà máy ráp Mac Pro, nhưng không có đồng nào từ con số 350 tỷ USD mà Tim Cook đã nhắc đến.

Dù công ty đang xây dựng một nhà máy ở Austin nhưng nó cách xa “nhà máy mới” mà Trump tham quan, và công việc ở đây chủ yếu dành cho các nhà thiết kế ngồi bàn giấy và các công việc kỹ thuật tương tự như ở trụ sở chính của Apple tại Cupertino. 

Do vậy, thực tế sẽ không hề có “sự khởi đầu mới” nào như ông Trump đề cập trong bài phát biểu hôm nay, hay ông cũng chưa từng làm một cái gì cụ thể để đưa nhà máy của Apple về Mỹ như ông tuyên bố. 

Nếu Apple buộc phải sản xuất iPhone tại Mỹ, nó sẽ tạo ra một thách thức hậu cần rất lớn. iPhone là một thiết bị tổng hợp từ hàng trăm thành phần khác nhau, như chip, RAM, pin, camera và rất nhiều linh kiện khác nữa khi tới 90% các linh kiện này được sản xuất ở bên ngoài nước Mỹ.

Chính vì vậy, nếu muốn sản xuất toàn bộ chiếc iPhone hay Mac Pro tại Mỹ, Apple sẽ phải chuyển toàn bộ các dây chuyền sản xuất này về nước. Nó không chỉ tốn rất nhiều chi phí mà còn sẽ mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể đến việc tại Mỹ không có đủ nhà cung cấp linh kiện để đáp ứng được nhu cầu rất lớn của Apple.

Còn nhiều trắc trở

Tổng thống Mỹ từng có quan hệ tốt với CEO của Tesla Elon Musk và CEO của Disney, Robert "Bob" Iger
Tổng thống Mỹ từng có quan hệ tốt với CEO của Tesla Elon Musk và CEO của Disney, Robert "Bob" Iger

Có thể thấy, Tổng thống Trump đang nóng lòng giành chiến thắng khi cuộc bầu cử đang tới gần. Để nhanh chóng hiện thực hóa những lời tuyên bố của mình, trong khi thỏa thuận Mỹ - Trung còn bỏ ngỏ, Tổng thống Trump đang nhanh chóng tận dụng mối quan hệ cá nhân để đạt được những ưu thế trước công chúng, trong đó có mối quan hệ với các CEO của những tập đoàn lớn.

Dự luật cắt giảm thuế mà Tổng thống Trump đã ký vào năm 2017 không chỉ mang lại cho Apple mà còn cho các công ty lớn khác tại Mỹ nguồn lợi nhuận lớn khi cho phép công ty mang về hàng tỷ đô la tiền mặt mà họ đã cất ở nước ngoài, tiết kiệm hàng tỷ đô la tiền thuế và trả lại hàng tỷ đô la tiền tiết kiệm cho các cổ đông của mình thông qua việc mua lại cổ phiếu.

Apple đã gửi lời cảm ơn công khai tới Tổng thống Trump với những thông báo về các khoản đầu tư ở Mỹ. Bản thân Tim Cook cũng thể hiện thái độ thân mật với Tổng thống Trump và thường xuyên giữ liên lạc với Tổng thống Mỹ.

Chuyên gia nhận định, mặc dù Mỹ luôn chỉ trích những ưu đãi của chính phủ Trung Quốc dành cho các công ty lớn của quốc gia này, nhưng ngay tại Mỹ, chính quyền và bản thân Tổng thống Trump cũng có những mối quan hệ mật thiết với một số doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng. Sự thân thiết đó cũng mang lại những lợi ích nhất định.

Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ có quan hệ thân thiết với người đang nắm quyền điều hành một thương hiệu mang tính biểu tượng của Mỹ trên thế giới sẽ mang lại cho ông những ảnh hưởng vượt trội trong công chúng, giúp tăng cường ưu thế trong cuộc vận động tranh cử sắp tới. Bất chấp quan điểm của họ có mâu thuẫn, nhưng về lợi ích hình ảnh, hai bên vẫn cần nhau. 

Mặc dù vậy, mối quan hệ với CEO Apple có khả năng sẽ không giúp ích nhiều cho Tổng thống Trump khi các chuyên gia phanh phui sự thật đằng sau chuyến thăm của ông đến nhà máy sản xuất tại Texas. Đồng thời, sẽ khó có khả năng các doanh nghiệp khác nghe theo lời kêu gọi của Tổng thống trong việc quay lại sản xuất tại Mỹ khi các "công xưởng" khác ngoài Trung Quốc vẫn là mảnh đất hấp dẫn hơn.