Đòn cân não của Trump: Cuộc chiến giữa hai mô thức

TS. ĐINH HOÀNG THẮNG

Ngày 17/9, Mỹ thông báo kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh tuyên bố có thể từ chối tham gia các cuộc đàm phán thương mại do Washington đề xuất vào cuối tháng này, nếu Mỹ tiến hành áp thuế bổ sung.

Ngày 17/9, Mỹ thông báo kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Nguồn: internet
Ngày 17/9, Mỹ thông báo kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Nguồn: internet

Ngày 17/9, trong một động thái tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD, từ ngày 24/9 và sẽ tăng 25% thuế vào đầu năm 2019.

Đồng thời trong cùng ngày 17/9, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố: “Hoa Kỳ sẵn sàng thương thuyết về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bất cứ khi nào Bắc Kinh sẵn sàng cho những cuộc thảo luận nghiêm túc giúp giảm thuế quan và bãi bỏ những rào cản thương mại phi thuế quan”.

Tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York, ông Kudlow nói tiếp: “Chúng ta sẵn sàng thương thuyết và thảo luận với Trung Quốc bất cứ lúc nào họ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm chỉnh và bền vững về thương mại tự do để giảm thuế quan và những rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, cho phép nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới của chúng ta xuất khẩu càng ngày càng nhiều hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc”.

Không để bị “dí súng vào đầu”…

Tổng thống Trump cảnh báo, nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào nông dân và các ngành công nghiệp của Mỹ, Mỹ sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba, áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Tuyên bố này có thể có sẽ có tác động tiêu cực tới tiến trình thảo luận và khiến Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị quay trở lại các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Không phải ngẫu nhiên, Bắc Kinh cũng vừa tuyên bố có thể từ chối tham gia các cuộc đàm phán thương mại do Washington đề xuất vào cuối tháng này, nếu Mỹ tiến hành áp thuế bổ sung. Tờ Wall Street Journal dẫn lời quan chức Trung Quốc, nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ không đàm phán nếu bị "dí súng vào đầu".

Cho đến nay, chính quyền Mỹ đã đánh thuế theo thứ tự 25 % và 10 % vào hai mặt hàng thép và nhôm Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Tháng 7/2018, Washington đi thêm một bước nữa khi quyết định áp thuế 25 % lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Tổng thống Trump trong những giờ sắp tới sẽ thông báo quyết định về biểu thuế nhắm vào 200 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ và còn dọa sẽ đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.

Tờ Financial Times mới đây đưa tin, Trung Quốc đã mời giới tinh anh, gồm những người đứng đầu các công ty tài chính lớn ở Phố Wall của Mỹ tới tham dự một cuộc hội luận được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 16/9 để thảo luận về xung đột thương mại song phương. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáng chú ý, sau hội nghị này, ông Vương Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch Trung Quốc - cánh tay phải đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ gặp gỡ những nhân vật này để thảo luận vấn đề thương mại song phương.

Giới chuyên gia nhận định rằng, nếu sự kiện trên thành công, kết hợp với kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil tại Bắc Kinh hôm 7/9 sẽ mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Như vậy, một cuộc đàm phán chính thức có thể sẽ được mở ra và ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trên bàn đàm phán sau thời gian dài "ở ẩn". Trước đó, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, giới phân tích luôn kỳ vọng ông Vương sẽ đích thân cầm trịch trong các cuộc thương lượng bởi kinh nghiệm đàm phán phong phú cũng như mối quan hệ thân thiết giữa ông với nhiều nhân vật quan trọng ở Mỹ.

Ai thắng ai?

Theo dư luận quốc tế, ông Tập Cận Bình hiện đang bị kẹt ở hai điểm. Một là, trong quá trình thu quyền bính về một mối, ông Tập đã bình định hết các đối thủ nội bộ vùng miền, phe Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh, nên chính trị Trung Quốc mất đi tính đa dạng. Ông Tập cũng trở nên cô đơn vì “duy nhất đúng”. Các báo cáo trình lên chỉ để vừa lòng ông, trong khi nợ công ngoài khu vực tài chính của các tỉnh và thành phố đã lên tới 250% GDP.

Hai là, ông Tập đi lên từ cán bộ trường Đảng, đã xây dựng hình ảnh của mình như một “nhà đức trị”. Điều này hóa ra là một cản trở, vì ông không thế nói ngược nói xuôi theo kiểu tùy hứng như ông Trump và ông cũng không dùng mạng xã hội. Bắc Kinh liên tiếp bị choáng bởi những phát biểu bất ngờ của ông Trump, về Triều Tiên, về Biển Đông, về Trung Quốc. Hệ thống của Bắc Kinh vận hành theo kênh truyền thống, vẫn phải đợi duyệt qua nhiều cấp: đảng, tuyên giáo, an ninh, rồi mới cho Bộ Ngoại giao phát biểu định kỳ.

Trong khi đó thì ông Trump, cứ 4 giờ sáng giờ bờ Đông nước Mỹ, không rõ vì khó ngủ hay sao mà liên tục bắn ra các cú twitter làm nản lòng đối phương. Mỗi lần Trump twett như vậy thực sự khiến ông Tập lúng túng. Ông Tập không có tài khoản mạng xã hội Weibo, WeChat… thay vào đó, một số nhân vật và cơ quan không chính thức đôi khi bắn tin ra thay cho ông. Cái được và mất của ông Trump thật khó định nghĩa, nhưng cái mất đầu tiên của ông Tập là “lo mất uy” thì ngày càng lộ rõ.

Những vụ tan rã của các mạng tín dụng tư vừa qua cho thấy, nếu Trung Quốc là một đại tập đoàn thì cần có một Chủ tịch hội đồng quản trị vững về tầm nhìn xa và một CEO rất quyền biến, linh hoạt. Nay cả hai chức này lại gộp vào một vị trí của ông Tập, còn Lý Thủ tướng chỉ là phụ tá. Và bài toán thương chiến đang diễn ra khá phức tạp. Các đợt thuế ông Trump tung ra đầu tiên để làm vừa lòng cử tri ủng hộ ông trong tinh thần "Hoa Kỳ là trên hết".

Nhưng nay người ta cảm thấy ông Trump muốn đánh quỵ và phá vỡ cả mạng lưới sản xuất - chế biến - xuất khẩu, là xương sống của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc hoàn toàn có thể “ém quân” bằng cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, sang châu Phi như đang làm, nhưng khó làm nhanh. Để xuất khẩu, Trung Quốc cần công nghệ cao từ Hoa Kỳ, nhưng Trump đã ra lệnh "chặn đứng" nguồn này, bất kể nó có tác động xấu đến chính một số công ty Mỹ.