Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung : Lo lắng thái quá hay nguy cơ nhãn tiền?

Theo Quang Huân/ttvn.vn

Đến hiện tại, các mặt hàng bị đánh thuế bảo hộ vẫn nhỏ so với khối lượng hàng hóa trị giá hơn 16 nghìn tỷ USD lưu thông trong nền kinh tế thế giới mỗi năm. Giá trị hàng hóa bị đánh thuế mới chỉ chiếm chưa đầy 0,5% GDP của Mỹ hoặc Trung Quốc.

Giá trị hàng hóa bị đánh thuế mới chỉ chiếm chưa đầy 0,5% GDP của Mỹ hoặc Trung Quốc. Nguồn: internet
Giá trị hàng hóa bị đánh thuế mới chỉ chiếm chưa đầy 0,5% GDP của Mỹ hoặc Trung Quốc. Nguồn: internet

Các thỏi nhôm được hình thành trong những nhà máy luyện kim ở Quebec (Canada) và vận chuyển đến các nhà máy ở Kentucky (Hoa Kỳ) để cuộn thành các tấm nhôm thành phẩm. Một số khác được gửi đến Mexico, nơi chúng được dùng để chế tạo thành những chiếc xe hơi của hàng loạt các hãng lớn, mà sau đó sẽ được tiêu thụ tại châu Mỹ và châu Á. 

Trong một ví dụ khác, các máy móc thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ (trong đó có một số bộ phận nhập từ Trung Quốc) được đưa trở lại châu Á, nơi những nhà sản xuất sử dụng để tạo ra các con chip được lắp đặt trong các thiết bị thông minh mà giới trẻ hiện đang sử dụng để chụp và gửi những tấm ảnh selfie đi khắp thế giới.

Những chuỗi cung ứng đó chính là cách vận động của thế giới hiện nay.

Vậy mà gần đây, những chuỗi cung ứng phức tạp này đang bị đe dọa bởi làn sóng bảo hộ trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới, mà đáng kể nhất là các chính sách tăng thuế của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chấm dứt kỷ nguyên toàn cầu hóa?

Trong những tuần gần đây, hai nước đã áp dụng tăng thuế suất đối với các sản phẩm khác nhau, từ thực phẩm (thịt lợn đông lạnh) cho tới nguyên vật liệu (thép). Tổng giá trị các mặt hàng bị áp thuế hiện tại chiếm chưa đầy 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước.

Mặc dù giá trị hàng hóa bị đánh thuế bảo hộ chiếm tỷ trọng chưa đáng kể đối với mỗi quốc gia, nhưng hành động này có thể châm ngòi cho một đợt tăng thuế trừng phạt từ cả 2 phía. Giá trị các khoản thuế trừng phạt có thể lên đến nhiều tỷ USD áp dụng cho hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa thương mại giữa hai quốc gia.

Bởi Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện là hai quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới dòng chảy hàng hóa trên thế giới.

Chúng ta đã cần hàng thập kỷ nỗ lực hướng tới toàn cầu hóa, với hàng trăm hiệp định song phương và đa phương được ký kết. Nhưng tiến trình này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế có quyền lực mạnh nhất.

Ông Elena Duggar, một chuyên gia kinh tế của Moody’s, cho biết công ty này đang lo lắng về các tác động trực tiếp của việc áp thuế đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, ảnh hưởng của sự không chắc chắn (uncertainty) ngày càng gia tăng và những nguy cơ về căng thẳng chính trị leo thang sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường tài chính, môi trường kinh doanh và hiệu quả kinh tế.

Bất kể doanh nghiệp hay nông dân cũng đều bị tác động

Thời gian gần đây, những hành động đối đầu thương mại đã trở thành một nhân tố rủi ro với các nền kinh tế. Nó có thể làm trì hoãn hoặc thay đổi các quyết định phân bổ vốn của nhiều công ty. Sự không chắc chắn khiến cho các doanh nghiệp không biết phân bổ vốn vào đâu và khi nào.

Trước đó, các chính sách cải cách về thuế của ông Trump đang được kỳ vọng trở thành động lực mạnh mẽ để nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng mục tiêu 3% trong năm nay. Thật vậy, những nỗ lực cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của chính phủ Trump lại khiến thu nhập của các doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc bởi vì (1) lợi ích trực tiếp từ việc giảm thuế và (2) các công ty đa quốc gia từ Mỹ sẵn sàng chuyển lợi nhuận về ghi nhận trong nước.

Tuy nhiên, các chính sách thuế trừng phạt lần này áp lên các mặt hàng từ Trung Quốc sẽ có tác động mạnh mẽ chống lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, các chính sách thuế quan đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào thép nhập khẩu. Trong khi đó, rượu vang hoặc thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc lại là đối tượng bị đánh thuế trả đũa. Trong những cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang cho rằng nông dân Mỹ sẽ là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Những ảnh hưởng lâu dài của thuế quan sẽ là rất thảm khốc và có thể thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chơi.

Thứ hai, vấn đề thuế quan cũng được xem như một nguy cơ đối với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác không chịu tác động trực tiếp của các chính sách trừng phạt lần này. Chẳng hạn, tuần trước, nhà bán lẻ Dollar Tree đã cảnh báo với các nhà đầu tư rằng họ có thể bị tổn thương bởi sự căng thẳng hiện tại và nguy cơ leo thang trong tương lai của quan hệ thương mại với Trung Quốc. Công ty này không thể đảm bảo bất cứ sự tăng trưởng nào bởi các chính sách thuế mới có thể được đưa ra theo những cách hoặc vào những lúc không thể lường trước được. Ngoài Dollar Tree, số lượng doanh nghiệp Mỹ lo ngại về nguy cơ từ thuế quan cũng đang gia tăng mạnh mẽ.

Lo lắng thái quá hay nguy cơ nhãn tiền?

Đến hiện tại, các mặt hàng bị đánh thuế bảo hộ vẫn nhỏ so với khối lượng hàng hóa trị giá hơn 16 nghìn tỷ USD lưu thông trong nền kinh tế thế giới mỗi năm. Trong đó, chỉ tính riêng lượng hàng hóa ra vào nước Mỹ là gần 4 nghìn tỷ USD. Trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế bảo hộ trong tháng 3/2018 có trị giá khoảng 52 tỷ USD, bao gồm thép với mức thuế 25% và nhôm bị áp thuế 10%.

Trước đó, vào tháng 1/2018, Tổng thống Donald Trump cũng đánh thuế đối với các thiết bị năng lượng mặt trời và máy giặt. Ngay sau đó, Trung Quốc trả đũa bằng việc áp thuế với lượng hàng hóa trị giá 3 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm từ thực phẩm (trái cây, hạt, thịt lợn, và rượu vang) cho tới các sản phẩm công nghiệp (ống thép).

Ông Trump cũng tiếp tục đưa ra mức thuế quan với lượng máy móc và dược phẩm trị giá khoảng 50 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc đối phó bằng việc đề xuất thuế quan đối với các mặt hàng xe hơi và máy bay nhập khẩu từ Mỹ, với trị giá tương đương. Thậm chí, chính quyền Trump còn tiếp tục xem xét áp thuế bảo hộ đối với 100 tỷ USD giá trị hàng hóa khác.

Ông Duggar – chuyên gia của Moodys – lo ngại nếu những điều này thực sự trở thành sự thực, GDP của cả hai nước có thể giảm tới vài phần trăm.

Các doanh nghiệp sẽ phải đợi vài tháng nữa để biết liệu những mức thuế mới này sẽ có hiệu lực hay không. Vòng đàm phán thứ hai của Hoa Kỳ sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 8 tới đây. Ông Chetan Ahya – nhà kinh tế học của Morgan Stanley dự đoán rằng tất cả những nỗ lực đàm phán giảm căng thẳng có thể là vô ích.

Sự không chắc chắn

Tình huống tốt nhất có thể xảy ra là cuộc đàm phán sẽ kết thúc thành công. Trường hợp tệ nhất là các vòng đàm phán tiếp tục bị kéo dài. Khi vấn đề không được giải quyết, hoạt động sản xuất bị đình trệ, việc làm có thể suy giảm và hàng tỷ USD đúng ra phải dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể không được đụng tới.

Sự không chắc chắn càng gia tăng khi ông Trump tiếp tục đưa ra các quyết định không thể lường trước. Chẳng hạn, tuần vừa rồi ông đề cập tới việc nối lại quan hệ với các quốc gia trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính ông đã quyết liệt xa lánh hơn 1 năm trước đây. Theo tờ Wall Street Journal, ngay sau đó ông đã có những kế hoạch để gia tăng áp lực thương mại đối với Trung Quốc. Tuy nhiên Nhà Trắng từ chối không đưa ra bình luận nào về việc này.

Tuy sự không chắc chắn này không giết chết mọi doanh nghiệp, nhưng nó có xu hướng cản trở việc đầu tư kinh doanh của họ. Môi trường kinh doanh bất ổn cũng làm giảm sự lạc quan của các công ty. Thật vậy, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ đã giảm trong tháng 3/2018, và các công ty sản xuất chỉ tạo ra thêm 15.000 việc làm, giảm so với con số 106.000 việc làm trong tháng trước đó. Mặc dù đây chỉ là các dấu hiệu ngắn hạn, nhưng rất đáng xem xét.