Thuốc giả: Cú sốc niềm tin!

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Có lẽ chưa bao giờ niềm tin của người bệnh lại mong manh như hiện nay. Hàng loạt vụ thuốc giả, dược phẩm lậu bị phát hiện trong thời gian qua vẫn chưa giảm nhiệt, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt.

 Còn bao nhiêu loại thuốc giả, TPCN giả đang lưu hành ngoài thị trường chưa bị phát hiện? Nguồn: Internet
Còn bao nhiêu loại thuốc giả, TPCN giả đang lưu hành ngoài thị trường chưa bị phát hiện? Nguồn: Internet

Vấn đề khó nhất hiện nay là người dân không phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Ngay cả bác sĩ điều trị không thể biết được thuốc thật hay giả. Vì thế, trách nhiệm kiểm soát chất lượng thuốc phải thuộc về nhà quản lý, Viện Kiểm nghiệm thuốc...

Thuốc giả lộng hành

Lâu nay, tình trạng thuốc giả trên thị trường chưa bao giờ hết nóng. Hầu như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có quyết định đình chỉ, thu hồi sản phẩm thuốc kém chất lượng.

Đáng nói, để thuốc giả, thuốc kém chất lượng có “đất” lộng hành, một phần chính do nhu cầu sử dụng thuốc của người dân ngày càng tăng.

Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường IBM trong năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD/người (khoảng 1,3 triệu đồng), dự báo tăng gấp đôi, lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

Cùng với đó, quy mô thị trường dược Việt Nam cũng tăng cao trong những năm tới (năm 2017 đạt khoảng 4,7 tỷ USD, tương đương 105.500 tỷ đồng), ước tính năm 2021 là 7,7 tỷ USD và năm 2026 là 16,1 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép là 11%.

Thị trường đầy tiềm năng, thu hút không chỉ các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, mà nhiều cơ sở sản xuất thuốc đông dược cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Chưa kể, một lượng lớn các doanh nghiệp “tay ngang” cũng lấn sân sang mảng kinh doanh dược phẩm.

Trong khi đó, việc quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để chế biến thuốc giả, thuốc lậu, không có giá trị sử dụng. Sau đó phân phối cho các cửa hàng với hoa hồng luôn ở mức cao để giành ưu thế cạnh tranh, cũng như xâm nhập hệ thống bệnh viện.

Cục Quản lý dược thừa nhận, những năm gần đây, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường nước ta đã giảm, song việc phát hiện thuốc giả không đơn giản. Thuốc giả được sản xuất ngày càng tinh vi và len lỏi vào thị trường, mức độ ngày càng nguy hiểm, táo tợn, đe dọa sức khỏe người bệnh, nhưng việc quản lý, giám sát vẫn còn lỗ hổng. Hậu quả của việc sử dụng thuốc giả là người bệnh chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Người dân mất niềm tin

Đỉnh điểm của thuốc giả đó là vụ nhập hàng nghìn hộp thuốc điều trị bệnh ung thư dởm về Việt Nam của công ty VN Pharma, khiến dư luận “dậy sóng”.

Vụ việc vừa lắng xuống thời gian chưa lâu, thì mới đây, cơ quan chức năng phát hiện những khuất tất trong việc sản xuất các sản phẩm thuốc chữa ung thư của công ty TNHH Vinaca.

Đáng nói, công ty này được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) hỗ trợ điều trị ung thư, làm từ bột than tre. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, doanh nghiệp đã không ngần ngại công bố không đúng chất lượng, thổi phồng công dụng sản phẩm như là “thần dược” chữa ung thư, gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Từ những vụ việc trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu loại thuốc giả, TPCN giả đang lưu hành ngoài thị trường chưa bị phát hiện? Còn bao nhiêu bệnh nhân vẫn đang phải dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng với giá cắt cổ mà không biết? Đây là sự thách đố với người tiêu dùng.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), cho biết việc phát hiện xử lý vẫn còn nhiều khó khăn, do kỹ thuật in ấn, làm giả mẫu mã bao bì hiện nay quá tinh vi. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ngay cả người trong ngành y cũng khó phân biệt thật giả.

Bên cạnh đó, để che mắt lực lượng chức năng, một thủ đoạn khác được các đối tượng sử dụng là thành lập công ty nhằm hợp thức hóa việc kinh doanh thuốc giả.

Bác sỹ Lê Ngọc Tuyết (bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ: Vấn đề khó nhất hiện nay là người dân không phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Ngay cả bác sĩ điều trị không thể biết được thuốc thật hay giả.

Dù hoài nghi, thì người bệnh cũng chẳng biết bấu víu vào đâu để tin rằng những viên thuốc này là thật, là chất lượng tốt. Họ cố “bấu víu” đặt niềm tin vào những viên thuốc, cộng thêm nghị lực, sự tự tin bản thân để chống lại bệnh tật.

Để tình trạng thuốc lậu, thuốc giả không còn “đất sống”, ông Trần Hùng cho rằng các cơ quan chức năng như y tế, công an, quản lý thị trường, hải quan... phải có sự phối hợp đồng bộ, kiên quyết hơn nữa trong công tác phòng chống, ngăn chặn nạn sản xuất và buôn bán thuốc giả bằng các biện pháp cụ thể, như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hoạt động kinh doanh thuốc; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cửa hàng và sản phẩm thuốc không đạt tiêu chuẩn để người dân biết...

Với những sai phạm bị phát hiện, cần xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bắt bồi thường về thiệt hại, tùy mức độ có thể xem xét xử lý hình sự. Chỉ có như thế, mới lấy lại được niềm tin trong dân chúng.