Ứng dụng số hóa trong sản xuất: Doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc

Theo Quỳnh Ngọc/daibieunhandan.vn

Kết quả khảo sát của Bộ Công thương cho thấy 81,3% doanh nghiệp chưa có chiến lược thích ứng và cơ cấu tổ chức phù hợp với xu thế số hóa toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ chỉ quan tâm đến sự sống còn trong thời điểm chiến tranh thương mại leo thang hiện nay hơn là nghĩ tới tương lai.

Vẫn ở điểm xuất phát

Tại Hội thảo “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ứng dụng số hóa là tất yếu trong quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất thông minh. Tại các nhà máy sản xuất thông minh, máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua hệ thống.

Với công nghệ mới, mọi hoạt động được tối ưu hóa, giảm sự can thiệp của con người, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, quá trình phân phối, trải nghiệm của người dùng.

Các ứng dụng công nghệ có thể thu thập và phân tích dữ liệu, nhà máy thông minh tạo ra sự chủ động, lường trước các thách thức và nhờ đó cải thiện năng suất và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy vậy, có nắm bắt được những cơ hội của Cách mạng 4.0 hay không, có vượt qua được những thách thức hay không phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta xác định đang đứng ở đâu và cách lựa chọn đi tiếp như thế nào?

Theo kết quả khảo sát đánh giá về tính sẵn sàng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được tiến hành từ cuối năm 2017 của Bộ Công thương, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới ở điểm xuất phát và tới 61% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc.

Kết quả này tương đồng với công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 trong báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia. Theo đó, trong 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

4 điểm nghẽn lớn

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra 4 điểm nghẽn lớn nhất khiến doanh nghiệp nước ta chưa thể phát triển được nền sản xuất thông minh, chuyển đổi số hóa. Thứ nhất, kết quả khảo sát cho thấy 81,3% doanh nghiệp chưa có chiến lược thích ứng và cơ cấu tổ chức vận hành phù hợp với xu thế số hóa toàn cầu.

Đa số doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ chỉ quan tâm đến sự sống còn trong thời điểm chiến tranh thương mại leo thang hiện nay hơn là nghĩ tới những điều xa hơn trong tương lai. Thứ hai, mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm tới ứng dụng, đầu tư, đổi mới công nghệ, tuy nhiên còn hạn chế. Phần lớn đầu tư 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới chỉ khoảng 1 tỷ đồng (chưa tới 50.000 USD).

Tiếp đó, mức độ ứng dụng các công nghệ mới (in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, dữ liệu lớn BigData, trí tuệ nhân tạo…) cũng như phát triển các sản phẩm thông minh và dịch vụ dựa vào dữ liệu để có thể giúp cho nhà cung cấp nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng rất hạn chế, chỉ khoảng 2 - 3%. Cuối cùng, các doanh nghiệp đều cho rằng nguồn nhân lực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà máy thông minh trong tương lai. Đây là những điểm nghẽn cần được giải quyết trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo Giám đốc phụ trách về giải pháp của Dassault Systèmes khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Louis Loh Tze Wei, ứng dụng công nghệ đã được các doanh nghiệp đưa vào thực tế sản xuất nhưng để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến như các nhà máy thông minh đúng nghĩa thì cần có quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cũng như con người.

Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị có thể cải thiện trong thời gian ngắn nhưng để đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu số hóa hiện nay thì cần phải tiến hành trong một thời gian dài, bởi họ là những người đưa ra sáng kiến về mặt thiết kế, thực hiện các ứng dụng, công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, đầu tiên doanh nghiệp phải xác định được trong quá trình sản xuất của mình khâu nào cần phải số hóa trước và phải biết được giá trị của công nghệ đem lại cho doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ về chủ trương chính sách của Nhà nước, hành lang pháp lý để chuyển đổi ứng dụng thành công số hóa trong sản xuất, Tổng Giám đốc Trung tâm năng lực số (DCC) Jonathan Ng đề xuất.