Lại “nóng” chuyện tiền lẻ, tiền mới dịp Tết

Theo Hồng Anh/nhandan.com.vn

Càng đến thời điểm cận Tết, nhu cầu tiền lẻ (tiền mệnh giá nhỏ), tiền mới lại tăng cao. Dù tâm lý sử dụng tiền lẻ đi lễ chùa, tiền mới để lì xì đã phần nào giảm bớt, nhu cầu đổi loại tiền này cũng giảm dần. Tuy nhiên, những lùm xùm quanh câu chuyện đổi tiền vẫn diễn ra, đòi hỏi các cơ quan quản lý có những biện pháp tháo gỡ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chị Đỗ Bích Nga, khách hàng VIP của một Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần chia sẻ, năm nào chị cũng có nhu cầu đổi một ít tiền mới, và tiền mệnh giá từ 20 nghìn trở xuống để sử dụng trong dịp Tết. “Mọi năm, tôi đều được nhân viên ngân hàng đáp ứng vì số tiền gửi của tôi tại đây không nhỏ. Nhưng năm nay, họ bảo dù rất cố gắng cũng chỉ có thể đáp ứng cho tôi một ít tiền mới loại 100 nghìn đồng, 200 nghìn đồng; còn tiền từ 20 nghìn đồng trở xuống thì gần như không có, hoặc nếu có thì chỉ là một ít tiền đã qua sử dụng nhưng còn khá mới” - chị Nga nói thêm.

Trường hợp như chị Nga không phải là ít khi lượng cung tiền lẻ tại các NHTM ngày càng khan hiếm. Ngược lại, giao dịch thị trường ngoài ngân hàng lại diễn ra khá sôi động, càng tới thời điểm cận Tết càng “nóng”. Mức phí giao dịch theo đó cũng khá đa dạng. Tại một số địa điểm “quen thuộc” với dân đổi tiền như trong khu vực quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy (Hà Nội),... theo chia sẻ của những nhân viên cửa hàng này, “nguồn tiền” của họ không bao giờ thiếu, quan trọng là khách hàng chấp nhận mức phí đổi là bao nhiêu. “Phí đổi chung hiện nay là khoảng 5% (tính trên tổng số tiền) đối với tiền mệnh giá 50 nghìn đồng, 10% đối với tiền mệnh giá 10 nghìn đồng và 6% với tiền mệnh giá 20 nghìn đồng. Riêng với tiền lẻ từ 5.000 đồng trở xuống thì năm nay cao đột biến, phí đổi tùy loại lên đến 30%, 70% thậm chí là 100%” - một đầu mối giao dịch tại phố Nguyễn Xí (Hà Nội) cho biết.

Tại các khu vực đền, chùa, tuy không còn cảnh công khai đề biển “Đổi tiền”, nhưng du khách vẫn bắt gặp những tủ kính bày các loại tiền lẻ bên trong. Một cách khá kín đáo, năm nay, hầu hết dịch vụ đổi tiền đều được “giấu” đằng sau dịch vụ sắm lễ, viết sớ,... Đơn cử, người đổi có thể lấy tiền lẻ với giá ngang bằng, và phần chênh sẽ được tính vào hàng hóa (hoa quả, đồ lễ,...) bán kèm. Ngoài ra, sự “góp mặt” của mạng xã hội cũng khiến cho hoạt động đổi tiền dịp Tết càng thêm “xôm tụ”. Trong khi các hoạt động đổi tiền “ăn” chênh lệch tại các cửa hàng hay chung quanh khu vực đền, chùa, lễ hội diễn ra một cách kín đáo “nhìn trước, ngó sau”, thì việc đổi tiền trên các trang mạng xã hội được rao công khai, với chi phí “ăn” chênh lệch từ 5 đến 80% tùy từng mệnh giá tiền.

Từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ trước và trong dịp Tết nguyên đán. “Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, NHNN dự kiến sẽ tiết kiệm được cho Nhà nước 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên khoảng gần 2.200 tỷ đồng” - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh Đào Thị Phượng cho biết. Và trên cơ sở này, cũng sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách cho Nhà nước và bổ sung thêm kinh phí phục vụ bảo đảm chất lượng cung tiền tốt hơn.

Thực tế cho thấy, việc không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán nhận được sự đồng thuận cao của xã hội và toàn ngành ngân hàng. “Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không còn hiện tượng người dân để tiền lẻ rơi vãi khắp nơi khi đi lễ đền, chùa. Điều này cho thấy nhận thức của người dân dần thay đổi khi chủ trương của NHNN được ghi nhận. Chúng tôi hy vọng với sự đồng thuận của các cấp, các ngành thì chủ trương này sẽ tiếp tục được người dân ủng hộ, góp phần tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước” - bà Đào Thị Phượng chia sẻ. Qua theo dõi, trong những năm gần đây lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống quay trở lại NHNN rất ít. Trong khi trước đấy, gần như ngay sau Tết thì lượng tiền lẻ lại ùn ùn đổ về cất trong kho của ngân hàng.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Trọng Chí cho rằng, tuy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều đền, chùa, nhưng vài năm gần đây, nhu cầu tiền mặt mệnh giá nhỏ cũng giảm nhiều. “Trước đây, Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh thường thực hiện giúp các đền, chùa trên địa bàn tổ chức thu và kiểm đếm tiền nhỏ lẻ để trả về NHNN. Nhưng gần đây, công việc này giảm dần, thực tế lượng tiền lẻ thu được trong ba năm gần đây đã giảm rất nhiều” - ông Nguyễn Trọng Chí cho biết.

Theo Trưởng Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) Nguyễn Thành Lập, thực hiện các văn bản của Thống đốc NHNN về việc đổi tiền lẻ, tại đền Bà Chúa Kho, Ban Quản lý quán triệt nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ trong khuôn viên đền. “Nhưng thực tế, việc người dân dùng tiền lẻ để lễ bái vẫn còn xảy ra, dù đã giảm rất nhiều so với trước đây. Do đó, Ban quản lý đã tích cực, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện việc văn minh khi đi lễ chùa, hạn chế việc đặt tiền lẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng quán triệt là toàn bộ tiền lẻ tại đền sẽ được Ban quản lý thu gom và gửi về NHNN chứ không trao đổi ra bên ngoài”, ông Nguyễn Thành Lập cho biết thêm.

Có thể thấy, nhu cầu tiền mới để lì xì trong dịp Tết là chính đáng, nhưng đây không phải nhiệm vụ thiết yếu của hệ thống ngân hàng. Hằng năm, nhất là vào những dịp Tết, NHNN lại tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố; tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến. “Có thể khẳng định, NHNN hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; bảo đảm cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông, không phân biệt tiền cũ, mới. Cũng như mọi năm, trong dịp Tết, NHNN vẫn quan tâm đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.

Cùng với việc yêu cầu các NHTM trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải khất, hoãn, chi trong giao dịch thanh toán làm ảnh hưởng xấu đến lưu thông tiền tệ. NHNN cũng lưu ý, việc “tuyệt đối không găm giữ tiền mới được điều chuyển từ NHNN trung ương chỉ để phục vụ mục đích đối ngoại, hoặc đổi cho tổ chức, cá nhân mà không kịp thời phục vụ nhu cầu tiền mặt thanh toán cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước trong lưu thông. Chủ động ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, lợi dụng vị trí công tác để gây phiền hà; xử lý kỷ luật ngay cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí, trục lợi”.

NHNN sẽ phối hợp các đơn vị như Chi cục Quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền, chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.