Nền kinh tế phải lấy hiệu quả làm đầu

PV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Chính phủ ngày 2/7/2018.

Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Nguồn: internet
Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Nguồn: internet

Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tích cực, toàn diện

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định, qua triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%.

Tín dụng tăng trưởng tốt; Thanh khoản hệ thống được bảo đảm; mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định; Tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định; Dự trữ ngoại hối tăng; Thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ; Chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ước đạt 42,6% dự toán năm; Các chỉ số về đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp tăng; Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đều có mức tăng trưởng khá...

Nền kinh tế phải lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời; Năng động, sáng tạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; Quyết liệt hành động, nói đi đôi với làm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018.

Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu đặt ra về cải cách thể chế, xây dựng cơ chế chính sách; Những gì đang cản trở người dân, doanh nghiệp, cản trở sức sản xuất cần phải loại bỏ; Nền kinh tế phải lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát và triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP; Ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; Tìm giải pháp hiệu quả bổ sung động năng mới cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2018-2020; Thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước trên cơ sở giải trình minh bạch, hiệu quả về định hướng và kỷ luật chi ngân sách. Tăng cường quản lý thu, giảm nợ đọng và chống thất thu thuế hơn là tăng thuế; Kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định.

Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh nền tài chính; điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng...