Nông sản Việt Nam hưởng lợi lớn từ Trung Quốc

Theo Minh Phương/doanhnhansaigon.vn

Việc Trung Quốc áp đặt tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản nhập khẩu càng giúp định hình lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị và gia tăng uy tín cho sản phẩm Việt Nam.

Để thâm nhập và đứng vững trên thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải được sản xuất từ nền nông nghiệp sạch. Nguồn: internet
Để thâm nhập và đứng vững trên thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải được sản xuất từ nền nông nghiệp sạch. Nguồn: internet

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gạo, cao su sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch lần lượt 1 tỷ USD, 1,5 tỷ USD. Cũng năm 2017, trong 3,5 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm 76% giá trị.

Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, bắt đầu trong tháng 4 này, rau củ quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc.

Tăng giá trị

Theo đó, khi doanh nghiệp làm thủ tục thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Anh để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp còn có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả.

Theo chuyên gia nông nghiệp - GS. Võ Tòng Xuân, nhiều năm qua Việt Nam thường xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc. Thương lái cứ mua gom đủ loại nông sản trôi nổi, không cần quan tâm đến chất lượng, kích cỡ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, miễn sao đủ số lượng và thấy có lời là bán sang Trung Quốc. Vì cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nên nông dân trồng trọt không theo quy trình sản xuất, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.

Hệ quả dễ nhận thấy nhất là nông sản Việt Nam không có thương hiệu, nên khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm là hàng hóa bị ứ đọng, giá giảm sâu, có khi phải đổ bỏ, nông dân rơi vào tình trang nợ nần. Bài học gần nhất là thịt heo Việt Nam bị Trung Quốc khóa đường tiểu ngạch khiến cả ngành chăn nuôi heo sụp đổ, nông dân, doanh nghiệp điêu đứng, đến giờ giá vẫn chưa phục hồi như các năm trước.

Cũng theo GS. Võ Tòng Xuân, khi Trung Quốc áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách kinh doanh, như xây dựng vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. "Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, vì quy mô tiêu thụ lớn, khoảng cách vận chuyển gần, và nếu cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường này thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận tốt", GS. Võ Tòng Xuân khẳng định.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, việc thị trường Trung Quốc đặt ra yêu cầu cao hơn bằng biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với nông sản của Việt Nam sẽ buộc doanh nghiệp Việt Nam từ bỏ cách làm ăn "không lành mạnh" để đảm bảo những điều kiện của nhà nhập khẩu. Và một khi chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thị trường Trung Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu.

Lợi ích dài hạn

Nhận thức tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, từ lâu nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông thủy sản để đáp ứng các điều kiện khắt khe của thị trường này.

Vina T&T Group nhiều năm liền xuất khẩu trái cây không chỉ vào thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu mà còn cả thị trường Trung Quốc. "Chất lượng quyết định sự thành bại để vào được thị trường khó tính và đầu vào sẽ quyết định chất lượng sản phẩm. Vì thế Vina T&T phải quy hoạch vùng trồng các loại trái cây xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và truy xuất được nguồn gốc. Để sản xuất trái cây ở quy mô thương mại, Vina T&T phải có diện tích đất đủ lớn.

Bằng cách liên kết với nông dân, hiện Vina T&T có trên 100ha cây ăn quả. Nhìn chung, doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng vùng trồng, vì cứ mỗi 2 năm phải tốn 2.000 USD để được cấp tiêu chuẩn GlobalGAP. Chưa kể, ngay đầu vụ phải đặt cọc cho nông dân 50 triệu đồng/ha để họ mua nguyên vật liệu", ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty T&T Vina chia sẻ.

Đầu tư mạnh ngay từ lúc trồng để cho ra được loại trái cây đúng quy chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên đây chỉ là một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng. Theo ông Tùng, một khi sản xuất trái cây đúng quy trình thì việc khai thác các lợi ích từ thị trường Trung Quốc trở nên đơn giản.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2017, Trung Quốc là thị trường của cá tra Việt Nam với giá trị kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ là thị trường thủy hải sản quan trọng của Việt Nam, giá trị không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu.

Theo ông Hòe, không phải dễ dàng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc nếu như trước đó doanh nghiệp không nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khắt khe của thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.

"Việc Trung Quốc đặt nhiều rào cản kỹ thuật sẽ giúp giảm thiểu việc xuất khẩu tiểu ngạch, vốn bị ảnh hưởng bởi việc thương lái thu gom sản phẩm từ con cá tra chất lượng thấp, bán giá rẻ sang Trung Quốc khiến thương hiệu có thể bị đe dọa", ông Hòe nói.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, để thâm nhập và đứng vững trên thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải được sản xuất từ nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, phải xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn liền với công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch hiện đại. Việt Nam cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho nông sản xuất khẩu, thành lập các cơ quan chuyên trách để kiểm tra, giám sát chất lượng.