Mông lung tiền ảo

TS. Nguyễn Anh Dũng

Tiền ảo đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Thực ra, tên gọi chuẩn xác hơn của loại tiền mới này là tiền thuật toán, được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, dựa trên các phần mềm mã nguồn mở.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tiền thuật toán được giao dịch mua bán hoàn toàn trên môi trường internet và không chịu sự quản lý của bất cứ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào. Sự ra đời của tiền thuật toán có tính khách quan trên nền tảng thế giới phát triển công nghệ thông tin kỹ thuật số, nhất là thời đại 4.0.
Tuy nhiên, vì là một phạm trù kinh tế và cũng là một thể loại tiền tệ mới mẻ trong một thế giới không phẳng với trình độ cao, thấp rất chênh lệch nhau giữa các quốc gia, nên tiền ảo đang là một ma trận huyền ảo, đầy hấp dẫn nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm.
Thế giới hiện có hàng nghìn loại tiền ảo, trong đó nổi bật nhất là bitcoin, đã, đang gây nên những cơn sốt săn lùng, đào mỏ, đầu cơ đặc biệt kỳ ảo. Nhiều quan chức các ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại lớn trên thế giới coi bitcoin là "trò lừa đa cấp" trên toàn cầu; được tiền ảo, mất tiền thật, là bong bóng sẽ nổ tung và các nhà đầu tư sẽ trắng tay.
Ngay cả nhà kinh tế học Hoa Kỳ Joseph Stiglitz - chủ nhân giải Nobel kinh tế 2001 cũng cho rằng, bitcoin thành công chỉ vì khả năng luồn lách luật pháp và thiếu sự kiểm soát, không nên thừa nhận đồng tiền này, nó không phục vụ bất cứ chức năng hữu ích nào về mặt xã hội. 
Nhưng ngược lại, thống đốc ngân hàng trung ương và nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại, chuyên gia tài chính - tiền tệ khác lại cho rằng, bitcoin nói riêng và tiền thuật toán nói chung là xu thế phát triển khách quan của tiền tệ, là phát minh mới của nhân loại. Tương tự như trước đây, ở buổi bình minh của sản xuất hàng hóa, loài người đã phát minh ra vật ngang giá chung (như lông voi, đá quý, vỏ sò) để dễ dàng mua bán được các loại sản phẩm khác nhau, thay cho việc phải trao đổi trực tiếp (người bán rìu phải mò tìm người bán cừu đang cần cái rìu!), rồi tiến tới in tiền giấy thay cho tiền thật là vàng, bạc.
Hiện đã có nhiều ngân hàng, siêu thị, khách sạn, công ty trên thế giới chấp nhận khách hàng thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ bằng bitcoin, nghĩa là tiền ảo mua được hàng thật. Hơn thế, nhiều tờ báo và chuyên gia còn nhận định, bitcoin đã bước vào giai đoạn phát triển mới khá hấp dẫn bởi giá trị tăng cao, trong khi nỗi lo về lạm phát, trượt giá tiền giấy cứ ngày càng tăng do nới lỏng định lượng phát hành. 
Người ta thường không mua bitcoin nhằm mục đích sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, mà là kỳ vọng theo "thuyết kẻ khờ hơn" sẽ có người mua lại với mức giá cao hơn. Sự thật là, rất nhiều người đã thành triệu phú USD nhờ đầu tư bitcoin! Chuyện này đã có tiền lệ, xuyên thế kỷ của thị trường chứng khoán với nhiều triệu nhà đầu tư liên tục hồi hộp, suy sụp và hưng phấn khi giá trị cứ tăng vọt rồi sau đó lại lao dốc.
Trên thực tế, mức vốn hóa tính bằng USD của bitcoin đã vượt rất xa giá trị vốn hóa của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley. Chỉ tính riêng trong năm 2017, bitcoin đã tăng giá khoảng 170 lần, chủ yếu do giới đầu tư toàn cầu mua với kỳ vọng, đồng tiền này sẽ thay thế hợp pháp đối với vàng hoặc các đồng tiền truyền thống.
Giao dịch bitcoin đầu tiên do Satoshi Nakamoto gửi 10 bitcoin cho chuyên gia mật mã Hal Finey khởi tạo và phát hành phần mềm vào ngày 12/1/2009. Tới ngày 5/10/2009, lần đầu tiên giá trị của bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch với mức khởi điểm 1 bitcoin= 0,00076 USD. Vậy mà đến nay, giá 1 bitcoin đã tương đương khoảng từ 17 nghìn đến 19 nghìn USD (nhưng cũng có lúc tụt xuống mức 11 nghìn USD rồi lại trồi lên 15 nghìn USD)! 
Tuy nhiên tại Việt Nam, ý kiến chính thức từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện nay là, tiền ảo, trong đó có bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, không thấy Ngân hàng Nhà nước cấm, mà chỉ khuyến cáo mọi người cẩn trọng với loại tiền tệ này! Vậy, hoạt động kinh doanh bicoin ở nước ta (tham gia các sàn giao dịch, lắp máy đào tiền ảo xuất xứ Trung Quốc, nhiều người có thu nhập cao) có được xem như buôn lậu trốn thuế, có phải truy thu thuế thu nhập, có khấu trừ thuế GTGT... hay không? Thiết nghĩ, đây sẽ là những vấn đề cần nghiên cứu đối với công tác quản lý.
Nhân câu chuyện này, nhớ lại lần tôi được tháp tùng nhà báo Thép Mới đón đoàn đại biểu báo Sự Thật Liên Xô (cũ) sang thăm Việt Nam, khi cầu Thăng Long vừa hoàn thành năm 1985. Khi đoàn xe Volga đen, bóng loáng uy quyền tăng tốc vun vút như bay từ đường dẫn lên cây cầu đồ sộ nhất hồi đó, tác giả “Cây tre Việt Nam” nổi tiếng thốt lên, mông lung đường lên CNXH! Hay thật, cái mà hồi đó người ta ngỡ ngàng, choáng ngợp, tưởng là mông lung, thì chỉ một, hai thập kỷ sau đó lại trở nên bất cập so với nhu cầu của xã hội. Tức là, vài chục năm rất ngắn so với phép quy chiếu thời gian hiện đại.
Xin tạm dừng luận bàn học thuật đại sự để trở lại hiện thực trước mắt với những nhân tài tiên phong trong công nghệ tiền thuật toán, rằng Tết Mậu Tuất này các bạn sẽ tính sao(?), chốt lãi bằng cách biến tiền ảo thành tài sản thật, hoặc tiền VNĐ để làm quà mừng tuổi đấng sinh thành (như mua hàng tại các siêu thị Nhật Bản hoặc rút tiền mặt từ 2 cây ATM ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) hay tiếp tục đà đầu tư, khi mà bitcoin đang trong xu thế lên giá, thậm chí có dự báo một, hai chục năm nữa sẽ nổ tung sau khi đạt đỉnh 1 bitcoin = 100.000 USD!