Cải cách hành chính năm 2018 xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm

Theo Thanh Hải/daibieunhandan.vn

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2017, chính quyền các cấp đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, cũng như hành động. Nhưng với khối lượng công việc lớn phải thực hiện trong năm 2018, các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo đề nghị cần định ra một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đóng góp quan trọng từ một số bộ, ngành

Có thể thấy, trong năm 2017, Chính phủ đã tiến hành nhiều việc trong triển khai 6 nhiệm vụ được đề cập trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 (thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; hiện đại hóa hành chính).

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chỉ rõ một số chuyển động nổi bật, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm đáng kể (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không nợ văn bản), chỉ còn nợ 9 thông tư. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa giấy tờ công dân đã có bước tiến rõ rệt, góp phần thúc đẩy tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và địa phương.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Số liệu của Ngân hàng Thế giới đưa ra cho thấy, môi trường kinh doanh của nước ta trong năm 2017 đã tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp vị trí 68/190 quốc gia, và nằm trong nhóm dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được tăng hạng có đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị, song theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cần ghi nhận sự đóng góp quan trọng của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trong đó, Bộ Công thương sửa đổi các thông tư, tham mưu sửa đổi Nghị định nên đã giảm 420 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức kiểm tra, giúp thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong ngành. Bộ NN - PTNT giảm 58% lượng thủ tục hành chính cần đơn giản hóa, cắt giảm.

Đối với ngành bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu rõ: Quá trình tiến hành cải cách thủ tục hành chính của ngành đã giúp đưa chỉ số nộp thuế và bảo hiểm của Việt Nam tăng 81 bậc. Cụ thể, chỉ số nộp bảo hiểm của nước ta chỉ sau Singapore, Thái Lan và Malaysia (Chính phủ chỉ xác định phấn đấu bằng ASEAN 6). Và động lực để tiến hành cải cách thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm là vì có khối lượng công việc “khổng lồ”, mà như cách nói của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, “nếu không cải cách hành chính, ngành bảo hiểm xã hội sẽ chết trước”.

Không chỉ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi tại các bộ, ngành, mà ở các địa phương cũng có những chuyển động tích cực về nhận thức và hành động. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Quảng Ninh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu cho biết, do đã triển khai mô hình chính quyền điện tử từ năm 2012, nên Quảng Ninh đã hoàn thành giai đoạn một việc xây dựng mô hình này vào năm 2016, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao.

Từ năm 2017, Quảng Ninh đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 chương trình chính quyền điện tử, thông qua kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của các ngành trong quản lý nhà nước. Thậm chí, tới đây sẽ nâng lên một bước bằng việc xây dựng thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Không chủ quan

Những kết quả đạt được trong cải cách hành chính thời gian qua là rất đáng ghi nhận, song đại diện các bộ, ngành và nhiều địa phương đều nhận định không thể chủ quan. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính, thẳng thắn chỉ rõ, việc triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực còn hạn chế, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà. Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, trong khi việc thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm, kết quả còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh cần thúc đẩy sự kết nối liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền. Vì rằng, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngay trong quan hệ giữa cơ quan thuế và cơ quan tài chính, mới có 7 địa phương thực hiện kết nối giữa cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện (Bắc Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh…).

Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lại cho biết, quá trình xây dựng thành phố thông minh Hạ Long đang gặp một số điểm vướng, vì chưa có liên thông cơ sở dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực. Để tránh gây lãng phí khi xây dựng thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đứng ra làm “trọng tài”, để giải quyết vướng mắc trong kết nối dữ liệu giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương. 

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương chú ý triển khai thực hiện ngay trong năm 2018. Trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp (đất đai, hải quan, dịch vụ du lịch…); tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Cùng với đó là một số chỉ đạo cụ thể, như tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh… 

Ban Chỉ đạo cũng đã xác định 79 nhiệm vụ cần triển khai và hoàn thành trong năm 2018. Một khối lượng công việc lớn như vậy đòi hỏi từng bộ, ngành, địa phương cần xác định trọng tâm thực hiện cụ thể. Có như vậy mới có thể tạo ra chuyển biến rõ nét, tránh tình trạng để đến cuối năm vẫn còn “ngổn ngang” công việc.