Xử lý thanh toán trực tuyến trái phép: Cần sự phối hợp liên ngành

Theo Thạch Bình/thoibaonganhang.vn

Quản lý chuỗi thanh toán trực tuyến trái phép xuyên biên giới nên bắt đầu từ các cửa hàng và các công ty du lịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Liên quan đến việc quản lý hoạt động chuyển tiền kinh doanh qua các máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) trái phép thời gian qua, mới đây UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra các hoạt động cung cấp dịch vụ, hệ thống cửa hàng và việc giao dịch, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật để kịp thời xử lý những vi phạm.

Việc chỉ đạo thanh, kiểm tra các điểm kinh doanh, bán hàng để kịp thời xử lý các vi phạm về thanh toán trực tuyến trái phép như kể trên của TP.HCM là hoàn toàn cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện nay lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến TP.HCM ngày càng tăng. Năm 2017 có 600.000 lượt khách Trung Quốc, tăng tới 200.000 lượt so với năm 2016.

Hiện trên địa bàn TP.HCM cũng đã có khoảng 20 công ty du lịch có liên quan đến thị trường Trung Quốc đang hoạt động. Do đó, việc phòng ngừa các trường hợp gian lận trong thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ của du khách thông qua các ứng dụng trực tuyến là rất cần phải thực hiện.

Chú ý thanh toán qua mã QR

Theo phân tích của giám đốc trung tâm thẻ một NHTM có trụ sở tại Quận 3 –TP.HCM, việc kiểm tra các điểm đặt máy POS của các ngân hàng hoặc các DN thì không quá khó khăn. Kể cả một số điểm bán hàng có làm ăn với thị trường Trung Quốc mang máy POS từ nước ngoài về để phục vụ thanh toán thì các cơ quan như Công an và Quản lý thị trường cũng có thể kiểm tra và xử lý.

Tuy nhiên, theo vị này hoạt động thanh toán qua POS không đáng ngại bằng việc thanh toán qua mã QR code. Bởi hiện nay ở Trung Quốc hình thức thanh toán qua mã QR phát triển rất mạnh. Các hình thức thanh toán điện tử qua Alipay, WeChat Pay được sử dụng phổ biến với khoảng 500 – 1 tỷ người dùng cho mỗi ứng dụng.

Chính vì vậy khi du khách Trung Quốc sang Việt Nam càng nhiều thì số lượng và tỷ lệ người có sử dụng Alipay hoặc WeChat Pay cũng tăng theo. Điều này khuyến khích các điểm bản hàng cài đặt và sử dụng các hình thức thanh toán di động của Trung Quốc nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng.

Tại thị trường TP.HCM, hiện nay chưa có những thống kê về doanh số thanh toán qua các ứng dụng Alipay hoặc WeChat Pay thông qua hình thức quét mã QR. Tuy nhiên, hiện đã có những công ty Fintech hợp tác với các ví điện tử của Trung Quốc trong việc thanh toán bằng hình thức quét mã QR.

Theo đó, CTCP công nghệ Vi mô (chủ sở hữu ví điện tử Vimo) đã hợp tác với WeChat Pay để thực hiện thanh toán bằng tiền VND thông qua hình thức quét mã. Việc hợp tác của Vimo với WeChat Pay cho thấy thị trường thanh toán xuyên biên giới đang được các DN Fintech kỳ vọng phát triển mạnh.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng khi các ứng dụng Alipay hoặc WeChat Pay chưa được kết nối với nhiều đơn vị trung gian thanh toán và các NHTM tại Việt Nam thì hình thức thanh toán chui bằng tiền Nhân dân tệ thông qua hình thức quét mã QR sẽ còn phổ biến và khó khiểm soát.

Cần hợp tác liên ngành

Theo ghi nhận của thoibaonganhang.vn, đến thời điểm ngày 16/8, phía Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) thuộc NHNN đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc phối hợp với các sở ngành để thanh, kiểm tra các hoạt động giao dịch, thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới. Trong tuần sau đơn vị này sẽ phối hợp với NHNN chi nhánh TP.HCM để thực hiện rà soát các hoạt động thanh toán của hệ thống các NHTM trên địa bàn theo đúng chức năng nhiệm vụ.

Trong khi đó, theo phân tích của đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, để hạn chế tối đa tình trạng núp bóng nhằm trốn thuế trong lĩnh vực du lịch thì cần phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Và nút thắt quan trọng cần giải quyết là ngăn chặn "biến thái" trong hệ thống cửa hàng khép kín, chỉ bán hàng cho người Trung Quốc, bộc lộ những tiêu cực chưa kiểm soát được như bán hàng giả, bán hàng giá cao, hàng trốn thuế, thanh toán trực tiếp qua phương tiện, ứng dụng của nước ngoài. Chính vì vậy, để quản lý hiệu quả thì cần sự chung tay của nhiều ngành như thuế, công an, quản lý thị trường.

Quan sát trên thực tế cho thấy, hiện nay chuỗi thanh toán trực tuyến trái phép xuyên biên giới thường gồm 3 mắt xích là khách du lịch nước ngoài, công ty lữ hành và các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng các phương tiện, ứng dụng của nước ngoài. Vì vậy, để ngăn chặn, trước hết các cửa hàng và các công ty du lịch cần phải được quản lý chặt chẽ. Phần việc này ngành công thương, du lịch và ngành thuế cần phải có sự phối hợp để thực hiện quản lý hiệu quả.

Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, hiện nay Thông tư số 26/2017/TT-NHNN đã quy định về các hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ. Theo đó, đơn vị chấp nhận thẻ chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng hoặc chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ hoặc sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của tổ chức thanh toán thẻ khác sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Tuy nhiên, với chức năng nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, việc thanh, kiếm tra đối với các hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán qua mã QR sẽ chỉ có thể thực hiện được trong hệ thống TCTD chứ không thể thực hiện kiểm tra đối với các tổ chức kinh tế khác.

Vì vậy, việc hợp tác liên ngành cần thiết phải được cụ thể hóa, phân định rõ ràng nhiệm vụ của từng bộ, ngành liên quan thì mới có thể quản lý được những hoạt động thanh toán trực tuyến trái phép đang diễn ra hiện nay.