Thị trường vốn: Tăng nguồn cung bền vững


Vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2018 được dự báo tiếp tục tăng bền vững, không chỉ đến từ kênh tín dụng của các ngân hàng mà còn tăng nguồn trung - dài hạn từ thị trường vốn, góp phần tăng trưởng sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ xuất khẩu.

Vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2018 được dự báo tiếp tục tăng bền vững. Nguồn: Internet
Vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2018 được dự báo tiếp tục tăng bền vững. Nguồn: Internet

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), năm 2018, dự báo, hệ thống tài chính tiếp tục bảo đảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, khoảng 19,3% so với cuối năm 2017. Cơ cấu nguồn cung ứng bền vững hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tổ chức tín dụng và tăng nguồn trung - dài hạn từ thị trường vốn. Dự kiến, cung ứng từ thị trường vốn tăng 22,5% và từ hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 17,5%. 

Tín dụng năm nay cũng được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, mức tăng trưởng tương đương với 3 năm gần đây, khoảng 18 - 19%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh, với xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung - dài hạn và tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn. 

Thực tế, trong năm 2017, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề chuyển biến tích cực. Tín dụng vào các ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%). Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm 8,11% tổng tín dụng). Tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng này tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Tín dụng tiêu dùng tăng cao, khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 12,3%). 

Từ mức tăng trưởng dòng tiền vào các lĩnh vực, các chuyên gia kinh tế dự báo năm nay tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên tiếp tục có mức tăng tốt. Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao và là mảng hoạt động chiến lược của nhiều ngân hàng. Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống năm 2018 cũng được dự báo tương đối ổn định. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung - dài hạn có xu hướng giảm do các tổ chức tín dụng đang chủ động cơ cấu lại nguồn và sử dụng nguồn, xu hướng tăng cho vay ngắn hạn và tăng huy động tiền gửi kỳ hạn dài và phát hành giấy tờ có giá. 

Điều đáng nói là lãi suất huy động và cho vay VND trong năm nay được dự báo sẽ khá ổn định so với năm 2017, với biên độ giao động khoảng 0,2 điểm %. NFSC cho rằng, lãi suất cho vay năm 2018 có thể biến động nhẹ và cục bộ. Một số tổ chức tín dụng buộc phải tăng huy động dài hạn để bảo đảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định; hay tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về CAR theo Basel II.

Tuy nhiên, cũng có nhiều dư địa tích cực cho việc hạ lãi suất VND do các biến số kinh tế vĩ mô như: Lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, áp lực từ phía tỷ giá không lớn; Nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn do cơ chế hỗ trợ từ Nghị Quyết số 42; Dự báo kết quả kinh doanh hệ thống tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng yếu kém có chuyển biến tích cực. Thực tế là, ngay từ đầu năm, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm 0,5% lãi suất cho vay, xuống còn 6%/năm ngắn hạn và 7,5%/năm cho vay trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Nguồn vốn cho nền kinh tế năm 2018 còn được dự báo sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và dòng vốn FDI cũng như chính sách tỷ giá. Theo đó, thị trường cổ phiếu có khả năng tăng trưởng trong năm 2018. Thị trường trái phiếu Chính phủ dự báo ít biến động, lãi suất trúng thầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.

Đặc biệt, tỷ giá năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục ổn định, cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư; Dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực. "Do đó, tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5 - 2% là khá hợp lý, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam" - NFSC nhận định.