Minh bạch, nhiều công ty chứng khoán sẽ “ra đi” nhanh hơn

Theo Đầu tư Chứng khoán

Chịu áp lực minh bạch, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) có thể sẽ “ra đi” nhanh hơn hoặc buộc phải tái cơ cấu nhanh hơn.

Minh bạch, nhiều công ty chứng khoán sẽ “ra đi” nhanh hơn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một điểm mới trong mùa công bố thông tin năm nay là thị trường được tiếp nhận thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính có kiểm toán của các CTCK. Thông tin về số lượng các công ty chứng khoán công bố báo cáo về tỷ lệ này được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cập nhật hàng ngày trên website của Sở. Theo đó, đến ngày 8/4/2013, đã có 85 CTCK công bố công khai loại báo cáo này.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, khối CTCK ngoài việc phải công bố công khai báo cáo tài chính năm có kiểm toán, còn phải công bố công khai báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính có kiểm toán, bắt đầu từ năm 2013. Quy định hiện hành buộc khối CTCK phải đăng tải trên website của chính doanh nghiệp (DN), gửi báo cáo và đăng tải công khai trên website của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, đồng thời, UBCKNN khuyến khích các DN đăng tải công khai báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính có kiểm toán trên báo chí, để tạo thuận lợi cho mọi người được biết về hiện trạng “sức khỏe” của khối DN này.

Ngoài chế tài buộc CTCK phải minh bạch, theo ông Sơn, UBCKNN cũng đã làm việc với khối công ty kiểm toán, yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm và khả năng phát hiện ra các điểm bất thường trong báo cáo tài chính của khối CTCK, từ đó, đưa ra các ý kiến xác đáng cho chất lượng từng báo cáo. Ý kiến kiểm toán là chỗ dựa quan trọng nhất về mức độ trung thực của các CTCK khi lập báo cáo tài chính. Khuyến nghị các công ty kiểm toán phải thực hiện tốt chức năng của mình, cũng là một cách cải thiện chất lượng minh bạch của khối CTCK tại Việt Nam .

Hầu hết các CTCK công bố báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính sớm đều có chỉ tiêu này trong mức an toàn, thậm chí rất an toàn so với quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC và Thông tư 226/2010/TT-BTC (tỷ lệ vốn khả dụng của CTCK tối thiểu 180%). Bên cạnh đó, cũng có không ít CTCK chịu áp lực kép khi mức độ an toàn tài chính ở dưới ngưỡng cho phép. Một mặt các CTCK phải chịu áp lực từ UBCKNN trong việc khôi phục lại điểm an toàn, mặt khác, khi các số liệu này “phơi” ra, các đối tác, khách hàng, cổ đông… ít nhiều có sự cẩn trọng trong quan hệ với CTCK, thậm chí có thể dẫn CTCK đến tình trạng khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đã là quy định pháp luật, thì mọi CTCK đều phải tuân thủ.

Chịu áp lực minh bạch, nhiều CTCK có thể sẽ “ra đi” nhanh hơn hoặc buộc phải tái cơ cấu nhanh hơn. Thực tế này cũng sẽ tạo điều kiện cho những CTCK khỏe mạnh vươn lên để khẳng định vị thế.

Đánh giá về sức khỏe khối CTCK hiện nay, UBCKNN cho biết, 20 CTCK hàng đầu, chiếm khoảng 84% thị phần môi giới là những CTCK tuân thủ tốt quy định pháp luật. Các CTCK còn lại nếu muốn bật lên phải tìm ra một hướng đi, mà ở đó, sức khỏe tài chính và ý thức minh bạch là hai yếu tố quan trọng. Có minh bạch và tuân thủ luật pháp, CTCK mới tạo dựng được niềm tin để thu hút và giữ chân nhà đầu tư.