Chứng khoán đến thời "mua là thắng"?

Theo Minh Sơn/vnexpress.net

Đà tăng mạnh của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư hồi tưởng giai đoạn 2007, thời điểm mà "mua mã nào cũng thắng lớn".

 Thị trường chuẩn bị tiến tới mốc kỷ lục năm 2007, nhưng thực tế, nội tại của thị trường và nhà đầu tư đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Ảnh: Reuters
Thị trường chuẩn bị tiến tới mốc kỷ lục năm 2007, nhưng thực tế, nội tại của thị trường và nhà đầu tư đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Ảnh: Reuters

"Ai có thể ngờ VN-Index có thể tăng tới 50%" - đó là nhận định của ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) về thị trường chứng khoán năm 2017. "Năm vừa qua thực sự là một năm thành công vượt ngoài mong đợi, xa hơn rất nhiều so với những gì các chuyên gia và nhà chức trách phán đoán từ hồi đầu năm", ông nói.

Đầu năm 2017, ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất của thị trường cũng không dám đặt mục tiêu tới 900 điểm vào thời điểm kết thúc năm. Thậm chí, những dự báo không mấy tích cực chỉ đặt VN-Index mức tăng 4-5%. Tuy nhiên, tất cả những dự báo này đã bị phá vỡ khi đà tăng của thị trường vượt xa mong đợi.

Chốt phiên năm 2017, VN-Index ghi nhận mức 984,24 điểm, tăng gần 320 điểm (khoảng 48%) so với thời điểm đầu năm. Với thanh khoản bình quân mỗi phiên giao dịch đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng gần 67%.

Tuy nhiên đà tăng vẫn chưa dừng lại. Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2018, những ngưỡng kháng cự mạnh như 1.000, 1.050 rồi 1.100 điểm đã lần lượt bị phá vỡ. Gần nhất, VN-Index đã đạt 1.114 điểm, chỉ còn cách mức kỷ lục cao nhất của thị trường xác lập cách đây 10 năm, hơn 60 điểm. Thanh khoản bình quân cũng tăng gần gấp đôi, lên 9.600 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch.

Yếu tố tạo nên điều này, không có gì khác ngoài đà tăng mạnh với sự đồng thuận của toàn thị trường. "Chỉ cần không chọn những cổ phiếu bất thường, có vấn đề về hoạt động kinh doanh hay quản trị, thì gần như nhà đầu tư không thể lỗ trong giai đoạn này. Thị trường dường như đang trở lại cách đây 10 năm, thời mà nhà nhà mua cổ phiếu, người người mua cổ phiếu đều có lãi", anh Tuấn, một nhà đầu tư cá nhân cho biết.

“Cách đây 5 năm nếu muốn nói huy động một tỷ USD từ thị trường chứng khoán thì nhiều người sẽ nói đó là chuyện hoang đường, nhưng nay việc huy động nhiều tỷ USD là điều có thể thực hiện. Thị trường giờ có thể còn nhiều điểm để nghi ngờ, nhưng lùi lại cách đây 5 năm liệu ai dám mơ về một thị trường như hiện tại” - đó là chia sẻ của người đứng đầu Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng trong sự kiện mới đây của Ủy ban chứng khoán.

Thị trường vượt mốc 1.000 điểm, trở lại thời "hoàng kim" của 10 năm trước là điều mà nhà đầu tư, thành viên thị trường nào cũng khẳng định sẽ xảy ra. Nhưng ít ai nghĩ thị trường có thể bứt phá nhanh như hiện tại.

"Cách đây 3 tháng trong một cuộc họp với VSD, tôi từng nói không biết đến khi nào thị trường mới đạt được 10.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch, có thể 2 năm hoặc 3 năm tới. Nhưng chỉ trong những ngày đầu năm 2018, thanh khoản thị trường nhiều phiên thậm chí đã vượt qua mốc này, không tính tới giao dịch thỏa thuận”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) chia sẻ.

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong năm 2017 và tháng đầu tiên của năm 2018, có lẽ nên được hình tượng hóa bằng một bức tranh nhiều màu sắc, bởi quá trình này không được tạo nên bởi một hay 2 yếu tố. Đó phải là sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên thị trường, mà được những người trong cuộc ví như "thiên thời, địa lợi".

Là "hàn thử biểu" của nền kinh tế, quá trình bứt phá của thị trường không thể không nhắc tới yếu tố vĩ mô. Năm 2017 đánh dấu một năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Dù còn nhiều nghi ngại về số liệu, nhưng sự ổn định của nền kinh tế và những chỉ báo là điều không thể bàn cãi. Yếu tố vĩ mô ổn định tạo động lực tăng trưởng cho khối doanh nghiệp niêm yết và mở rộng dòng vốn từ nền kinh tế chảy vào các kênh đầu tư, chứng khoán là một trong những thị trường được hưởng lợi nhất.

Bên cạnh đó, đà tăng của thị trường và dòng vốn như mũi tên 2 chiều, có tác động qua lại. Thị trường tăng mạnh nhờ dòng vốn ổn định từ khối nội, nhưng ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư cũng đã quay trở lại thị trường sau khi chứng khoán ghi nhận một năm thành công nhất kể từ 2007.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng là một yếu tố đáng chú ý. Chưa năm nào kể từ sau đợt khủng hoảng, khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán tới gần 30.000 tỷ đồng, chưa kể tới hàng loạt thương vụ tỷ USD từ bán vốn nhà nước.

Mức tăng hai chữ số đưa Việt Nam vào nhóm 3 thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới. Cộng hưởng với sự kỳ vọng vào khả năng nâng hạng thị trường trong những năm tới, dòng vốn ngoại đã đổ ồ ạt vào thị trường. Sau một năm 2017 thành công, chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2018, dòng vốn ngoại tiếp tục kéo dài đà mua ròng với hàng nghìn tỷ đồng được đổ vào kênh đầu tư này.

Theo Tổng giám đốc của quỹ VFM, sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bắt đầu tăng mạnh sau khi Việt Nam tổ chức thành công APEC. Lần tổ chức này của Việt Nam đã đón tiếp những lãnh đạo đứng đầu của những cường quốc trên thế giới, nhưng cũng cần nhấn mạnh, không chỉ vì thế mà Việt Nam được chú ý. “Chúng ta được chú ý vì xứng đáng nhận được điều đó”, CEO của VFM đánh giá.

Những yếu tố chủ đạo này đã góp phần đưa thị trường nói chung và nhiều nhóm cổ phiếu xác lập mặt bằng giá mới. Nhóm cổ phiếu tài chính, dầu khí, bất động sản và nhiều ngành khác đều ghi nhận mức tăng 2 con số, thậm chí ghi nhận mức tăng bằng 2-3 lần.

Cổ phiếu Vietcombank đứng đầu ngành ngân hàng xét theo thị giá đã tiến gần mức 70.000 đồng, hơn gấp đôi so với đầu năm 2017. Ở lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu VIC của Vingroup sau thời gian dài đi ngang quanh mốc 40.000 đồng cũng tăng hơn gấp đôi lên ngưỡng hiện tại là 86.000 đồng. Cổ phiếu GAS và dòng cổ phiếu dầu khí "đầu P" tăng mạnh cùng sự phục hồi của thị trường và giá dầu. Hai cổ phiếu đứng đầu ngành hàng không là HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet tăng gần 100% chỉ trong một tháng gần đây.

Lĩnh vực chứng khoán, vốn là ngành hưởng lợi nhất khi thị trường chung, cũng bùng nổ, với mức tăng từ 2 đến 3 lần thị giá chỉ trong thời gian ngắn. Cổ phiếu SSI, VND đều vượt mốc 30.000 đồng, SHS lên hơn 23.000 đồng, trong khi nhiều cổ phiếu công ty chứng khoán khác cũng tăng mạnh.

"Thị trường khiến nhiều nhà đầu tư tưởng tượng đến giai đoạn bùng nổ cách đây 10 năm, khi mà chỉ cần chọn những cổ phiếu cơ bản và tránh xa nhóm cổ phiếu 'lởm' thì có lãi là chuyện đương nhiên", anh Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, khi thị trường chung đang rất tốt, thì cũng là lúc 2 câu hỏi lớn nhất với nhà đầu tư xuất hiện. "Liệu đà tăng giữ được ổn định đến khi nào và kịch bản cách đây 10 năm có xảy ra?"

Dưới góc độ là người đứng đầu một quỹ đầu tư, ông Trần Thanh Tân cho rằng nếu so sánh thị trường chứng khoán Việt Nam giữa hai giai đoạn 2007 và 2017, có thể thấy được những sự khác biệt rất lớn, trong đó yếu tố quan trọng là sự trưởng thành của nhà đầu tư.

“Năm 2007 là thời điểm mà thị trường vận động chỉ ở một bên của bảng điện tử, hoặc xanh hoặc đỏ và bên kia trống trơn. Nhưng ở năm 2017 thì hoàn toàn khác, thị trường có lên có xuống, những mã cổ phiếu tốt lên mạnh, nhưng những công ty yếu kém phải rời bỏ thị trường cũng không thiếu”, ông Tân nói và cho rằng nhà đầu tư ở thời điểm này đã không còn mua bán theo cái cách "bất chấp" như 10 năm trước.

Năm 2017 cũng đánh dấu sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các định chế tài chính và sự trưởng thành hơn của những thành viên thị trường. Một ví dụ cho điều này là trong những ngày đầu năm quỹ VFM đã huy động được hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng một điểm đặc biệt là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư chuyên nghiệp bỏ tiền vào quỹ ETF của VFM đã có sự cân bằng - điều hiếm thấy trước đây.

“Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư cá nhân giờ không chơi chứng khoán như trước, họ thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, nghiêm túc hơn và xác định được mục đích rõ ràng khi tham gia vào thị trường”, ông Tân nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sự giống nhau của năm 2007 và 2017 có thể là mặt điểm số, nhưng nội tại của thị trường đã hoàn toàn khác. Nền kinh tế ổn định hơn, các chỉ số như tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã không còn như cách đây 10 năm, hoạt động của doanh nghiệp cũng chắc chắn và quan trọng nhất là cổ phiếu tăng có "lý do". Dòng tiền đã chọn những doanh nghiệp có nền tảng tốt để đầu tư, thay vì cách "chơi bất chấp" như cách đây 10 năm.

Nhìn về năm 2018, Chủ tịch SSI và CEO của quỹ VFM đều cho rằng có lý do để tin tưởng năm nay sẽ tiếp tục là một năm thành công của thị trường.

"Chúng tôi đã đi hỏi ý kiến của những chuyên gia hàng đầu phố Wall, những nhà quản lý quỹ lớn trên thế giới thì nhận được câu trả lời rằng năm 2018 sẽ là năm fully invest – có nghĩa là đầu tư bằng mọi thứ đang có", Tổng giám đốc VFM nói và cho rằng điều này cho thấy một xu thế tăng trưởng sẽ diễn ra trong năm tới, mặc dù không thể đặt kỳ vọng về mức tăng 50% như năm 2017, nhưng tin tưởng rằng năm tới thị trường sẽ tiếp tục tích cực.